Về công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I năm 2023 ước tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Công nghiệp khai khoáng tăng 3,78%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,58%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 2,15%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,84%.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tương đối ổn định, phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ, như: Đá xây dựng ước đạt 193,7 nghìn m3, tăng 3,7%; gạch xây dựng bằng đất sét nung ước đạt 15,9 triệu viên, tăng 2,7%; cồn tinh luyện ước đạt 2.164,3 tấn, tăng 14,2%; cà phê bột ước đạt 488 tấn, tăng 2,1%; chế biến cà phê nhân ước đạt 66.500 tấn, tăng 2,3%; sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ, ... bằng gỗ ước đạt 17.443 sản phẩm, tăng 1,8%; hạt điều nhân ước đạt 890,9 tấn, tăng 26,3%; Bồn Inox, bồn nhựa ước đạt 9.285,9 sản phẩm, tăng 6,9%; nước máy ước đạt 1.063,8 nghìn m3, tăng 6,5%; đá xẻ ốp lát ước đạt 197.000 m2, tăng 6,5%; Sản phẩm Alumin ước đạt 177,43 nghìn tấn, tăng 0,4%. Bên cạnh, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ, như: tinh bột sắn ước đạt 8.069,3 tấn, giảm 1,3%; mủ cao su ước đạt 2.598,8 tấn, giảm 6,9%; Điện sản xuất ước đạt 411 triệu kwh, giảm 3,1%.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy Alumin Nhân Cơ, định kỳ hàng tháng, Sở Công Thương – cơ quan thường trực Tổ công tác xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (Tổ 1644) tổng hợp, báo cáo tình hình và đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV.
Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân đến nay đã đầu tư xây dựng xong phần xây dựng cơ bản các hạng mục của công trình. Hiện chủ đầu tư đã thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục triển khai Dự án và đã lựa chọn Công ty TNHH xây lắp luyện kim màu (Nhà thầu NFC) là Tổng thầu EPC cho gói thầu chế tạo, cung cấp và lắp đặt thiết bị cho dự án, hai bên đã thống nhất Hợp đồng tổng thầu EPC. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án, đặc biệt là để cho Chủ đầu tư an tâm tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng cũng như tiến hành lắp đặt thiết bị theo kế hoạch đã đề ra, Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành để chủ trì, phối hợp cùng với tỉnh Đắk Nông đôn đốc Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ Dự án và thực hiện chủ trương nhất quán về cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông theo Công văn số 11026/VPCP-CN ngày 03/12/2019 của Văn phòng Chính phủ về đầu tư Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 02 dự án nhà máy thuỷ điện đang thi công, với tổng công suất 14MW, trong đó Dự án thủy điện Nam Long 9MW, dự kiến vận hành vào Quý II/2023 và 04 dự án thuỷ điện đang thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng công suất 22,8MW; 01 nhà máy điện gió Nam Bình 1 (30MW) đã hoàn thành xây dựng năm 2021 nhưng chưa vận hành; 03 dự án điện gió (Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3, với tổng công suất 300MW) đang triển khai xây dựng; dự án điện gió Asia Đắk Song 1 (50MW) đang triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng.
Về thương mại:
Quý I/2023, các hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch, dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.442,9 tỷ đồng, tăng 14,9% so với quý I/2022 và đạt 25,6% so với kế hoạch (21.241 tỷ đồng). Trong đó: Thương nghiệp ước đạt 4.055,1 tỷ đồng, tăng 8%; Lưu trú và ăn uống ước đạt 1.124,4 tỷ đồng, tăng 33,4%; Doanh thu du lịch ước đạt 0,4 tỷ đồng, tăng142,9%; Dịch vụ khác ước đạt 263 tỷ đồng, tăng 89,6%.
Kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 dự kiến đạt 358,7 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 28,2% kế hoạch (kế hoạch 1.271 triệu USD); kim ngạc nhập khẩu quý I/2023 dự kiến đạt 80,6 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 32,2% so với kế hoạch (kế hoạch 250 triệu USD).
Dự án Trung tâm thương mại Đắk Mil tại huyện Đắk Mil với tổng vốn đầu tư 645 tỷ đồng, diện tích 7.526,5 m2 đang tiếp tục được triển khai thực hiện, dự kiến cuối năm 2023 hoàn thành. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 46 chợ được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn; 01 Trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2; 01 Siêu thị hạng II tại thành phố Gia Nghĩa; 01 trung tâm phức hợp, huyện Cư Jút; trên 10.000 cơ sở kinh doanh thương mại (tạp hóa, cửa hàng tiện lợi...); có 251 cửa hàng xăng dầu và trên 260 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đang hoạt động, được phân bố rộng khắp, đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn cho sản xuất và tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.