Tình hình thực hiện kế hoạch ngành Công Thương năm 2020 và Xây dựng kế hoạch phát triển ngành Công Thương tỉnh Đắk Nông năm 2021 (21/10/2020)

Năm 2020, tình hình kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu thô giảm mạnh, cùng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực đều chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết trong năm không thuận lợi, nhiều nơi xảy ra lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Trong tỉnh, tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, dịch tả lợn Châu phi xuất hiện lan rộng trên địa bàn các huyện, thành phố đã ảnh hưởng đến canh tác, thu nhập và đời sống của nhân dân. Dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại tỉnh, dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội của các địa phương. Trước tình hình đó, bám sát những nội dung chỉ đạo điều hành, các giải pháp thực hiện của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và mục tiêu, nhiệm vụ pháp triển ngành Công Thương tỉnh Đắk Nông, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng các Chương trình, Kế hoạch của ngành nhằm đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.

1. Tình hình phát triển công nghiệp năm 2020

Sản phẩm AluminTrong năm 2020, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, làm cho chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, hàng hóa tiêu thụ chậm, giá sản phẩm giảm, lao động bị thiếu hụt. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khắc phục những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh để duy trì và gia tăng hoạt động sản xuất. Vì vậy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng ổn định như: Đá xây dựng ước đạt 1.000 m3; gạch xây dựng ước đạt 230 triệu viên; Alumin ước đạt 680.000 tấn và một số sản phẩm tăng so với năm trước; khí CO2 ước đạt 3.510 tấn, tăng 3%; cồn công nghiệp ước đạt 4.400 tấn, tăng 96%; cà phê bột ước đạt 1.700 tấn, tăng 13,3%; gỗ cưa hoặc xẻ xây dựng cơ bản ước đạt 9.000 m3, tăng 7%; chế biến cà phê nhân ước đạt 300.000 tấn, tăng 11%; hạt điều nhân ước đạt 4.660 tấn, tăng 3,6%; đậu phụng, đậu nành sấy ước đạt 5.400 tấn, tăng 2%; điện sản xuất ước đạt 1.760 triệu Kwh, tăng 8,5%; đá xẻ ốp lát ước đạt 740.000 m3, tăng 2,8%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm như: Ván MDF ước đạt 60.00m3, giảm 20%, do doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá sản phẩm giảm, thiếu hụt lao động, gián đoạn cung ứng nguyên liệu đầu vào; bàn, ghế, giường tủ bằng gỗ các loại ước đạt 102.000 sản phẩm, giảm 24,4%; bồn Inox, bồn nhựa ước đạt 75.232 sản phẩm, giảm 31,6%, do thị trường tiêu thụ giảm; điện thương phẩm giảm 18,2%.

Mặc dù sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng, tuy nhiên giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp và chậm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế và ít có sản phẩm mới. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác tạo thành chuỗi giá trị phù hợp với cơ chế thị trường. Việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu; đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm, do thiếu vốn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và triển khai dự án. Bên cạnh, đa phần các doanh nghiệp công nghiệp vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, sản phẩm được sản xuất ra chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế nên chịu ảnh hưởng rất lớn vào biến động giá cả và nhu cầu thị trường, nên hiệu quả thấp và thiếu tính ổn định.

* Hạ tầng cấp điện

- Trong năm 2020, ngành điện đầu tư xây dựng, cải tạo khoảng 21km đường dây trung áp; 57km đường dây hạ áp; 57 trạm biến áp với dung lượng 7.130kVA, tổng mức khoảng 42 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm tỷ lệ số thôn, buôn có lưới điện quốc gia ước đạt 100%; tỷ lệ số hộ sử dụng điện ước đạt 99%, đạt 100% kế hoạch.

- Về tiến độ thực hiện các dự án cấp điện năm 2020:

+ Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đăk Nông sử dụng vốn ngân sách trung ương, giai đoạn 2014-2020: Hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 22/7/2020. Năm 2020 ngân sách giao: 15 tỷ đồng giải ngân đến tháng 9/2020: 3,8 tỷ đồng, đạt 25,1% Kế hoạch; đang tiếp tục triển khai thi công công trình cấp điện xã Quảng Tín, huyện Đăk R’lấp với quy mô đầu tư xây dựng 3,7km đường dây trung áp, 10,8km đường dây hạ áp và 04 trạm biến áp, ước khối lượng hoàn thành khoảng 95%.

  + Tiểu dự án Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, sử dụng nguồn vốn do EU tài trợ: Năm 2020 được giao: 20,4 tỷ đồng giải ngân đến tháng 9/2020: 17,5 tỷ đồng, đạt 86% Kế hoạch. Hiện Chủ đầu tư đang tổ chức thi công công trình cấp điện tại các thôn, bon của xã Thuận Hà, huyện Đăk Song; xã Long Sơn, huyện Đăk Mil và xã Đăk Wil, huyện Cư Jut ước khối lượng hoàn thành khoảng 90%. Dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành đầu tư và giải ngân hết theo kế hoạch vốn được giao.

2. Phát triển thương mại năm 2020

* Thị trường nội địa

Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dân trong các dịp Lễ, Tết, đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thị trường cung ứng hàng hóa tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng bán lẻ mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động thường xuyên, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cho hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình, các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, dịch vụ nhà hàng khách sạn, giao thông vận tải giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm 2020 ước đạt 15.944 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 90% kế hoạch (kế hoạch 17.715 tỷ đồng). Trong đó: Thương nghiệp ước đạt 13.299 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 94,4% kế hoạch (kế hoạch 14.090 tỷ đồng); Dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.828,5 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 72,5% kế hoạch (kế hoạch 2.523 tỷ đồng); du lịch ước đạt 0,47 tỷ đồng, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23,5% kế hoạch (kế hoạch 2 tỷ đồng); dịch vụ ước đạt 816 tỷ đồng giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,2% kế hoạch (kế hoạch 1.100 tỷ đồng).

            Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng chưa cao so với dự kiến do giá cả nông sản thấp (cà phê, tiêu,...), đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh, dẫn đến sức mua không cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch phải đóng cửa trong thời gian dài, nhu cầu của người dân chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, các dịch vụ khác giảm mạnh.

* Tình hình xuất, nhập khẩu

Những tháng đầu năm hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định do doanh nghiệp thực hiện theo các đơn hàng cũ, chỉ khâu thông quan thời gian diễn ra lâu hơn. Tuy nhiên, giá xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực của tỉnh giảm (Alumin, cà phê, tiêu,…), đối với những đơn hàng cũ đã hết, doanh nghiệp phải tìm đơn đặt hàng mới trong khi thị trường các nước nhập khẩu chính (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, …) đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong thời gian tới, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu không cao như dự kiến, cụ thể:

- Kim ngạch xuất khẩu trong năm dự kiến đạt 1.000 triệu USD, giảm 10,4% so với năm 2019 và đạt 85,4% so với kế hoạch (1.170 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ước đạt như: Tiêu đen ước đạt 06 triệu USD, Điều nhân ước đạt 420 triệu USD; cà phê ước đạt 225 triệu USD, đậu phộng sấy, đậu nành sấy: 1 triệu USD; ván MDF ước đạt 8 triệu USD; sản phẩm Alumin ước đạt 230 triệu USD, các sản phẩm khác ước đạt 110 triệu USD.

- Kim ngạch nhập khẩu trong năm dự kiến đạt 220 triệu USD, giảm 30,4% so với năm 2019, đạt 100% kế hoạch (kế hoạch 220 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: Điều nguyên liệu ước đạt 110 triệu USD; máy móc thiết bị, phụ tùng ước đạt 6 triệu USD; các sản phẩm khác ước đạt 104 triệu USD.

            * Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

- Trong năm 2020, Sở Công Thương thực hiện 10 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.400 triệu đồng, trong đó có 01 đề án nhóm khuyến công quốc gia  kinh phí hỗ trợ là 600 triệu đồng; 09 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ là 1.800 triệu đồng. Thông qua Đề án khuyến công đã tạo động lực khuyến khích các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư ứng dụng các máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào hoạt động sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, góp phần vào mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho nhiều lao động là người dân tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

- Thực hiện các Chương trình xúc tiến thương mại, hàng Việt về nông thôn, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đề án phát triển xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường, kết nối giao thương, trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh phân phối, hệ thống bán lẻ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng Việt Nam sản xuất; đưa hàng hóa Việt Nam về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống phân phối bán lẻ của các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng.

- Thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2020: Nâng cao hơn nữa trình độ quản lý, tạo tiền đề cho việc ứng dụng mô hình kinh doanh gian hàng trực tuyến cho doanh nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu trên môi trường internet theo hướng hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Nông; duy trì Sàn giao dịch thương mại điện tư tỉnh Đắk Nông; kết nối Sàn thương mại điện tử của tỉnh Đắk Nông với các tỉnh, thành phố trong nước…

3. Kế hoạch phát triển ngành công thương năm 2021

* Đặc điểm tình hình

Năm 2021, là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chậm phát triển; giá cả mặt hàng nông sản có nhiều biến động và thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhờ môi trường kinh doanh được quan tâm cải cách và hoàn thiện, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại phát triển.

* Mục tiêu chung

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; tập trung phát triển ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

* Mục tiêu cụ thể

- Tỷ lệ hộ được sử dụng điện năm 2021 đạt 99,1%.

- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh năm 2021 phấn đấu đạt 17.716 tỷ đồng, tăng 11,11% so với ước thực hiện năm 2020.

- Dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 1.170 triệu USD, tăng 17,04% so với ước thực hiện năm 2020. Xuất siêu năm 2021 ước đạt 950 triệu USD.

- Dự kiến kim ngạch nhập khẩu đạt 220 triệu USD, bằng ước thực hiện năm 2020.

* Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Tiếp tục bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.

2. Chủ động, nâng cao hiệu quả phối hợp với các Sở, ngành, địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công thương để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động của ngành Công Thương tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

3. Tiếp tục huy động nguồn vốn các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: Chế biến nông, lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bô xít, các sản phẩm sau nhôm để đảm bảo nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư liên kết sản xuất với người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra chuỗi giá trị đồng bộ, ổn định và bền vững. Kịp thời hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ, trang thiết bị để cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.

4. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, trong triển khai thực hiện dự án, trong đó trọng tâm là tháo gỡ những khó khăn của các dự án lớn, trọng điểm, có đóng góp lớn đối với tăng trưởng và có sự lan tỏa đối với phát triển, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch ngành, cụ thể như: Tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định sản xuất của Nhà máy alumin Nhân Cơ và nghiên cứu phương án cường hóa, phát huy tối đa năng suất công nghệ; hỗ trợ đắc lực hơn nữa để việc đầu tư xây dựng nhà máy điện phân nhôm sớm hoàn thành và đi vào hoạt động đạt công suất theo thiết kế giai đoạn I; xúc tiến đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, các dự án thủy điện, điện mặt trời, hạ tầng thương mại.

5. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo cung ứng hàng hóa, phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối giao thương, chú trọng xúc tiến thương mại ngoài nước, giúp doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu.

6. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng giá hàng hóa, đặc biệt trong các dịp lễ, tết để kịp thời tham mưu điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong tỉnh, vùng xa trung tâm huyện, thị xã.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc hành chính. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng

Q.M - VP

Lượt xem:  525 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web