Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, dịch tả lợn Châu phi xuất hiện lan rộng trên địa bàn các huyện, thành phố đã ảnh hưởng đến chăn nuôi, thu nhập và đời sống của nhân dân. Dịch Covid-19 trong nước cũng như trên thế giới diễn biến phức tạp, Dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại tỉnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp và thương mại của Đắk Nông vẫn tăng trưởng ổn định, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo thống kê của Sở Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 ước tăng 7.07% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 0,73%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,92%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 15,23%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,11%. Những sản phẩm đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành gồm có: Ván MDF; tinh bột sắn; khí CO2; Nước uống được; đậu phộng, đậu nành sấy; Sản phẩm Alumin; điện sản xuất... Tính đến hết tháng 9, tỷ lệ số thôn, buôn có lưới điện quốc gia ước đạt 100%; Tỷ lệ số hộ sử dụng điện ước đạt 98,8%.
Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dân trong các dịp Lễ, Tết, đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thị trường cung ứng hàng hóa tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng bán lẻ mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động thường xuyên, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cho hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình, các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, dịch vụ nhà hàng khách sạn, giao thông vận tải giảm mạnh. Cụ thể là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 11.559 tỷ đồng, tăng 5,88% so với cùng kỳ năm trước, đạt 65,25% kế hoạch (17.715 tỷ đồng). Trong đó: Thương nghiệp ước đạt 9.862,19 tỷ đồng, tăng 8,36%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.267,69 tỷ đồng, giảm 8,54%; Du lịch ước đạt 0,263 tỷ đồng, giảm 35,02%; Dịch vụ ước đạt 429,27 tỷ đồng, giữ nguyên so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng dự kiến đạt 700,7 triệu USD, giảm 19,46% so với cùng kỳ năm trước, đạt 59,88% kế hoạch (kế hoạch 1.170 triệu USD) nguyên nhân chủ yếu vì giá, sản lượng xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực của tỉnh (Alumin, cà phê, tiêu,…) giảm bởi thị trường các nước nhập khẩu chính (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, …) đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng dự kiến đạt 173,5 triệu USD, giảm 41,54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 78,8% kế hoạch (kế hoạch 220 triệu USD).
Phục vụ cho phát triển thương mại hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 46 chợ đang hoạt động được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn; 01 Trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp; 01 Siêu thị hạng III tại thành phố Gia Nghĩa; 01 trung tâm phức hợp, huyện Cư Jút.
Cùng với đó là hệ thống phân phối xăng dầu, LPG được phân bố rộng khắp, đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn cho sản xuất và tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đến nay trên địa bàn tỉnh có 261 cửa hàng xăng dầu và 201 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đang hoạt động.
Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Đắk Nông sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng đang triển khai để sớm đi vào hoạt động trong năm 2020. Hỗ trợ Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong vận hành, sản xuất Alumin theo kế hoạch, quan tâm tạo điều kiện để Nhà máy điện phân Nhôm Đăk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng quân sớm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, kịp thời hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ, trang thiết bị để cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiềm kiếm và mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020của Sở. Thường xuyên nắm tình hình cung cầu và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân để tham mưu UBND tỉnh các giải pháp điều tiết khi cần thiết nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là dịp lễ, tết.