Sản xuất công nghiệp – hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông 06 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng (06/07/2022)
Tiếp đà tăng trưởng năm 2021, trong 06 tháng đầu năm 2022 sản xuất công nghiệp – hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Cung cầu hàng hóa trong tỉnh được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng. Mức độ bao phủ vắc xin Covid-19 đạt tỷ lệ cao, người dân đã thích ứng với trạng thái bình thường mới nên các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được hoạt động trở lại, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch tăng:

Về công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 7,85% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 4,93%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,17%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 16,99%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,15%.

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, thời tiết thuận lợi cho các dự án thủy điện nhỏ, điện mặt trời vận hành đảm bảo công suất thiết kế, dự án điện gió Đắk Hòa, công suất 50MW đã đi vào vận hành phát điện từ tháng 11/2021 góp phần làm tăng sản lượng điện sản xuất so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: Mủ cao su ước đạt 5.880 tấn, tăng 54,7%; Cồn công nghiệp ước đạt 4.783 tấn, tăng 11,5%; cà phê bột ước đạt 903 tấn, tăng 10,9%; ván MDF ước đạt 24.231 m3, tăng 13,6%; tinh bột sắn ước đạt 15.655 tấn, tăng 11%; Điện sản xuất ước đạt 830 triệu kwh, tăng 11,3%,... Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 (giá SS năm 2010) ước đạt 4.143,4 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhà mát sản xuất cao su của công ty TNHH sản xuất TMDV Nam Đạt

 

Hoạt động thương mại:

Tình hình thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm người dân; lượng hàng hoá phục vụ các ngày Lễ, Tết phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và đảm bảo chất lượng; các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được hoạt động trở lại, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch tăng cao. Tình hình giá cả ở hầu hết các mặt hàng đều đang có xu hướng tăng do chịu sức ép tăng giá cùng với giá xăng dầu và gas tăng, chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng phục vụ do thiếu nguồn hàng để bán cho người dân. Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông kiểm tra, làm việc, nắm bắt tình hình thì khả năng và lượng cung hàng hóa vẫn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ của người dân chưa phát hiện cửa hàng xăng dầu đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Bên cạnh đó, Sở cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị đầu mối cung cấp hàng thường xuyên cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cam kết thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định, đồng thời bảo đảm cung ứng liên tục xăng dầu ra thị trường; nghiêm cấm thực hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.

Các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch tăng mạnh vào các dịp Lễ, Tết

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 9.926 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thương nghiệp ước đạt 7.787 tỷ đồng, tăng 12,1%; Lưu trú và ăn uống ước đạt 1.670 tỷ đồng, tăng 77,1%; Du lịch ước đạt 0,45 tỷ đồng, tăng 78,6%; Dịch vụ ước đạt 520 tỷ đồng, tăng 65,7%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu 06 tháng đầu năm 2022 dự kiến đạt 526,7 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 45% kế hoạch (kế hoạch 1.170 triệu USD). Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng, như: Cà phê ước đạt 78,4 triệu USD, tăng 3,7%; Điều nhân ước đạt 104,9 triệu USD, tăng 4,5%; tiêu đen ước đạt 84,6 triệu USD, tăng 27,6%; Ván MDF ước đạt 12,5 triệu USD, 64,5%; Alumin ước đạt 156 triệu USD, tăng 94,5%; các sản phẩm khác ước đạt 89,7 triệu USD, tăng 8,6%; Đậu phộng sấy ước đạt 0,6 triệu USD bằng với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu 06 tháng đầu năm 2022 dự kiến đạt 151 triệu USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 45,8% kế hoạch (kế hoạch 330), do nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng giảm. Một số mặt hàng chủ yếu như: Tiêu đen ước đạt 48,7 triệu USD, tăng 142,3%; Điều nguyên liệu ước đạt 33,1 triệu USD, tăng 0,6%; máy móc thiết bị, phụ tùng ước đạt 4,1 triệu USD, giảm 94,3%; sản phẩm khác ước đạt 65,2 triệu USD, giảm 3,7%.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng sẽ tiếp tục đà phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao, chính quyền dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt; đồng thời các cấp, các ngành chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, các chính sách hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ và của tỉnh tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại phát triển. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường trước được, đặc biệt là biến chủng Omicron và các biến chủng mới khác; giá nhiên liệu (xăng, dầu, gas) và vật liệu xây dựng vẫn giữ ở mức cao; giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực; một số dự án đầu tư trọng điểm dự kiến có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đang trong giai đoạn triển khai đầu tư sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.

06 tháng cuối năm 2022, ngành công thương tiếp tục phấn đấu đạt/vượt các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022, cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 8%;  Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh 6 tháng cuối năm phấn đấu đạt 9.386 tỷ đồng; lũy kế cả năm ước đạt 19.312 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 17.200 tỷ đồng) và tăng 21% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm phấn đấu đạt 644 triệu USD, lũy kế cả năm ước đạt 1.170 triệu USD, đạt kế hoạch đề ra và tăng 21% so với năm 2021; kim ngạch nhập khẩu 6 tháng cuối năm phấn đấu đạt 179 triệu USD, lũy kế cả năm đạt 330 triệu USD, đạt kế hoạch đề ra và giảm 36% so với năm 2021.

Để đạt được chỉ tiêu trên, ngành công thương cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh; nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành công thương năm 2022, thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Sở Công Thương tại Quyết định số 06/QĐ-SCT, ngày 21/01/2022 theo đúng tiến độ.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội các năm 2022-2023 trên địa bàn tỉnh.

Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và yêu cầu thực tiễn để tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư: Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Nhà máy điện phân nhôm, các dự án năng lượng tái tạo, các dự án phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Chú trọng theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị có liên quan hoàn thiện nội dung tích hợp lĩnh vực Công Thương vào Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện của các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ. Rà soát, hướng dẫn, tăng cường kiểm soát an toàn trong sản xuất công nghiệp, phòng chống thiên tai, cháy nổ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững  ngành Công Thương.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai diễn tập phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa phát tán hóa chất độc môi trường trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các Sở ngành, địa phương liên quan báo cáo, tham mưu UBND tỉnh việc đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa, Công ty Điện lực Đắk Nông rà soát tình hình sử dụng điện trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh việc đầu tư lưới điện tại các khu, cụm dân cư chưa có điện; sử dụng điện tạm bợ chưa đảm bảo an toàn. Tiếp tục phối hợp với UBND huyện Đắk Mil, Công ty điện lực Đắk Nông trong việc tiếp nhận, bàn giao lưới điện của HTX kinh doanh dịch vụ điện Đức Minh cho ngành điện quản lý, bán lẻ đến các hộ dân.

Triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu như: Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông năm 2022; Kế hoạch xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông năm 2022; Đề án “Hỗ trợ xuất khẩu” năm 2022. Thường xuyên cập nhật cung cấp thông tin về tình hình thị trường thương mại trong nước, xuất - nhập khẩu để các doanh nghiệp nắm tình hình, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Thường xuyên nắm tình hình cung cầu và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân để tham mưu UBND tỉnh các giải pháp điều tiết khi cần thiết nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công và xúc tiến thương mại năm 2022 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện hoàn thành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022 đã được phê duyệt theo nội dung, tiến độ.

Thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của Sở Công Thương; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nâng cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương.

Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra năm 2022 theo kế hoạch đã được phê duyệt; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất, an toàn vệ sinh thực phẩm, khí dầu mỏ./.

 

 

 

Thu Hương_VP

Lượt xem:  265 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 4 1 2 3 4
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web