Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển ngành công thương năm 2019 và kế hoạch năm 2020 (23/12/2019)

          Năm 2019, tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tình hình khu vực biển Đông diễn biến rất phức tạp, đồng thời những hạn chế của kinh tế vĩ mô, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các địa phương. Trong tỉnh, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do một số dự án lớn chậm tiến độ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế; ảnh hưởng của mưa bão, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi gây nhiều thiệt hại, giá cả nông sản chủ lực của tỉnh tiếp tục giảm thấp gây ra nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân; nhiều yếu tố tác động đến sức mua của thị trường sụt giảm. Một số vấn đề yếu kém nội tại của tỉnh chậm được giải quyết, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, đời sống nhân dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn.

Ảnh: Công nhân đang xếp hàng cho vào kho tại Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF BISON

Trước tình hình nhiều khó khăn, bất lợi, Sở Công Thương đã chủ động bám sát những nội dung chỉ đạo điều hành, các giải pháp thực hiện của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và mục tiêu, nhiệm vụ pháp triển ngành công thương chủ động xây dựng các Chương trình, Kế hoạch, tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Sản xuất công nghiệp

 Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 ước tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Những sản phẩm đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành gồm có cà phê bột tăng 7,1%; Ván MDF tăng 5,8%; Chế biến cà phê nhân tăng 8%; mủ cao su (SVR10, RSS...) tăng 13,6 %; Hạt điều nhân tăng 12,5%; Đậu phụng, đậu nành sấy tăng 15,2%; Bồn Inox, bồn nhựa tăng 10%; Điện thương phẩm tăng 25%; Điện sản xuất tăng 6,7%; nước máy tăng 5,3%; Sản phẩm Alumin tăng 9,7%.

Bên cạnh đó, sản phẩm Cồn công nghiệp đạt sản lượng thấp so với cùng kỳ năm trước (đạt 18,7%) là do doanh nghiệp thấy hoạt động không hiệu quả, giá nguyên, nhiên liệu cho sản xuất tăng cao, giá thành sản phẩm thấp, ngừng hoạt động từ tháng 6 đến nay.

Thương mại, dịch vụ

Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 tương đối ổn định, nhu cầu hàng hóa của người dân được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cung ứng kịp thời, đầy đủ về chủng loại, mẫu mã và chất lượng đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân trong mọi thời điểm, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm 2019 ước đạt 14.735 tỷ đồng, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, đạt 91 % kế hoạch (kế hoạch 16.105 tỷ đồng) do giá cả một số mặt hàng nông sản giảm (cà phê, tiêu), đặc biệt giá mặt hàng tiêu giảm sâu, đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, nên giảm sức mua và việc sử dụng các dịch vụ.

Kim ngạch xuất khẩu trong năm dự kiến đạt 1.150 triệu USD đạt 88,6% kế hoạch (kế hoạch 1.298 triệu USD) do mặt hàng tiêu đen chiếm giá trị lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm cả về sản lượng.

          Kim ngạch nhập khẩu trong năm dự kiến đạt 340 triệu USD đạt 154% kế hoạch (kế hoạch 220 triệu USD) chủ yếu các dự án nhà máy điện mặt trời nhập máy móc thiết bị, phụ tùng và các cơ sở nhập sản phẩm nông sản khác (hạnh nhân, hạt dẻ…) để xuất khẩu.

Mặc dù sản xuất công nghiệp, doanh thu thương mại dịch vụ có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng về mặt hiệu quả còn hạn chế; giá trị gia tăng của sản phẩm còn chậm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác tạo thành chuỗi giá trị phù hợp với cơ chế thị trường; xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, sơ chế nên dễ biến động theo giá cả của thị trường thế giới và khó thâm nhập vào thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm; Việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, điện chưa đáp ứng nhu cầu; đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm, do thiếu vốn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và triển khai dự án; việc phát triển hệ thống điện còn hạn chế; hệ thống điện ở nhiều xã đã được đầu tư từ lâu nên đã xuống cấp và chưa phát triển kịp với nhu cầu sử dụng điện của địa phương; Hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại phát triển chậm, chưa tổ chức tốt kênh lưu thông phân phối, tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm sản xuất tại địa phương.

Năm 2020 là năm kết thúc kế hoạch 05 năm 2015-2020, năm có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và mục tiêu kế hoạch Công nghiệp thương mại 5 năm 2015 – 2020. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sở Công Thương xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành công thương năm 2020 như sau:

Mục tiêu

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; tập trung phát triển ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh năm 2020 phấn đấu đạt 17.715 tỷ đồng, tăng 20,22% so với ước thực hiện năm 2019; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.170 triệu USD tăng 1,7% so với ước thực hiện năm 2019; kim ngạch nhập khẩu đạt 220 triệu USD, giảm 35,22% so với ước thực hiện năm 2019

Nhiệm vụ và giải pháp

Thứ nhất: Tiếp tục bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai: Chủ động, nâng cao hiệu quả phối hợp với các Sở, ngành, địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công thương để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động của ngành Công Thương tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ ba: Tiếp tục huy động nguồn vốn các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: Chế biến nông, lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bô xít, các sản phẩm sau nhôm để đảm bảo nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư liên kết sản xuất với người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra chuỗi giá trị đồng bộ, ổn định và bền vững.

Thứ tư: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo cung ứng hàng hóa, phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, chú trọng xúc tiến thương mại ngoài nước, giúp doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ năm: Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, trong triển khai thực hiện dự án, trong đó trọng tâm là tháo gỡ những khó khăn của các dự án lớn, trọng điểm, có đóng góp lớn đối với tăng trưởng và có sự lan tỏa đối với phát triển, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch ngành giai đoạn 2016-2020 và tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, cụ thể như: Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hỗ trợ Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong vận hành, sản xuất Alumin, nhằm phát huy công suất, đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất một cách cao nhất; hỗ trợ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, cũng như đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ để đáp ứng tiến độ xây dựng Nhà máy điện phân nhôm, sớm đi vào hoạt động; xúc tiến đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, các dự án thủy điện, điện mặt trời, hạ tầng thương mại.

Thứ sáu: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng giá hàng hóa, đặc biệt trong các dịp lễ, tết để kịp thời tham mưu điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong tỉnh, vùng xa trung tâm huyện, thị xã.

N.T.P-VP

Lượt xem:  251 Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Liên kết web