Trong 9 tháng đầu năm 2019, bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại đã gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Trong nước, nhờ những thuận lợi từ kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2018, nền kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp.
Bám sát những nội dung chỉ đạo điều hành, các giải pháp thực hiện của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và mục tiêu, nhiệm vụ pháp triển ngành công thương tỉnh Đắk Nông, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh và đã đạt một số kết quả nhất định.
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2019 ước tăng 4,79% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 7,06% ; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,26%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,56%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,44%. Những sản phẩm đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành gồm có: Cà phê bột ước đạt 1.252 tấn, tăng 16,47%; Ván MDF ước đạt 42.801 m3, tăng 14,01%; Tinh bột sắn 19.946,5 tấn, tăng 27,42%; Đậu phộng, đậu nành sấy ước đạt 4.983,65 tấn, tăng 27,35%; Sản phẩm Alumin ước đạt 500 nghìn tấn, tăng 5,85%; nước máy ước đạt 2.982,22 ngàn m3, tăng 10,28%; Chế biến cà phê nhân ước đạt 182,7 nghìn tấn, tăng 10,13%; hạt điều nhân 3170,46 tấn, tăng 9,81%; Bàn, ghế, giường, tủ bằng gỗ các loại ước đạt 90873,91 sản phẩm, tăng 3,94%; điện sản xuất ước đạt 1.021,68 triệu kwh, tăng 1,96%; điện thương phẩm 384,8 triệu kwh, tăng 11,58%. Bên cạnh đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm do trong 9 tháng đầu năm 4 doanh nghiệp khai thác đá vật liệu xây dựng bị thu hồi Giấy phép khai thác, tạm dừng hoạt động vì nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cụ thể sản phẩm đá xây dựng ước đạt 685450 m3, giảm 19,47% so với cùng kỳ năm 2018.
Thương mại, dịch vụ
Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2019 tương đối ổn định, nhu cầu hàng hóa của người dân được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cung ứng kịp thời, đầy đủ về chủng loại, mẫu mã và chất lượng đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân trong mọi thời điểm, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến. Tuy nhiên, do giá cả một số mặt hàng nông sản giảm (cà phê, tiêu), đặc biệt giá mặt hàng tiêu giảm sâu, đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, nên sức mua không cao như dự kiến.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 10.936,59 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 67,91 % kế hoạch (16.105 tỷ đồng), trong đó: Thương nghiệp ước đạt 9.102,52 tỷ đồng, tăng 10,36%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.407,89 tỷ đồng, tăng 11,49%; du lịch ước đạt 0,4 tỷ đồng, tăng 3,03%; dịch vụ ước đạt 425,78 tỷ đồng, tăng 10,27%.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm dự kiến đạt 837 triệu USD, giảm 1,01% so với cùng kỳ năm trước, đạt 64,48% kế hoạch (kế hoạch 1.298 triệu USD), nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng tiêu đen chiếm giá trị lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm cả về sản lượng và giá trị; sản phẩm Alumin xuất khẩu theo đơn hàng đã được ký hợp đồng nên tăng vào 3 tháng cuối năm. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ước đạt như: Điều nhân: 410 triệu USD tăng 11,72% so với năm 2018; cà phê: 140 triệu USD, giảm 15,36% so với năm 2018; Đậu phộng sấy, đậu nành sấy: 0,39 triệu USD, giảm 35% so với năm 2018; ván MDF: 6 triệu USD tăng 9,09% so với năm 2018; sản phẩm Alumin: 189,4 triệu USD giảm 18,36% so với năm 2018, các sản phẩm khác: 68,51 triệu USD tăng 37,02% so với năm 2018.
Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm dự kiến đạt 222 triệu USD, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước, vượt 1,05% kế hoạch (kế hoạch 220 triệu USD) chủ yếu các dự án nhà máy điện mặt trời nhập máy móc thiết bị, phụ tùng và các cơ sở nhập sản phẩm nông sản khác (hạnh nhân, hạt dẻ…) để xuất khẩu. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: Điều nguyên liệu ước đạt 100 triệu USD giảm 33,38% so với năm 2018; Tiêu đen ước đạt 9 triệu USD, tăng 360% so với năm 2018; máy móc thiết bị, phụ tùng ước đạt 25 triệu USD tăng 6250% so với năm 2018; Sản phẩm nông sản khác (hạnh nhân, hạt dẻ...) ước đạt 73 triệu USD; các sản phẩm khác ước đạt 15 triệu USD giảm 72,73% so với năm 2018.
Kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại 03 tháng cuối năm 2019
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ 3 tháng cuối năm dự kiến đạt 5.168,41 tỷ đồng, lũy kế đến cuối năm đạt 16.105 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng cuối năm dự kiến đạt 461 triệu USD, lũy kế đến cuối năm đạt 1.298 triệu USD, bằng 100% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu 3 tháng cuối năm dự kiến đạt 60 triệu USD, lũy kế đến cuối năm đạt 282 triệu USD tăng 6,73% so với kế hoạch năm.
Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, trong những tháng cuối năm ngành Công Thương tỉnh nhà tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp, ngành, doanh nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28/01/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 14/12/2018 của HĐND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2019; nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành công thương năm 2019.
Thứ hai: Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đề ra tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ và các văn bản đã cụ thể hóa của UBND tỉnh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, trong triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng chậm trễ về tiến độ, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Thứ ba: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp và thương mại đang triển khai: Hỗ trợ Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong vận hành, sản xuất Alumin theo kế hoạch; hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để Nhà máy điện phân nhôm hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2020; hỗ trợ, đôn đốc các dự án điện mặt trời, dự án thủy điện, hạ tầng thương mại để sớm có sản phẩm.
Thứ tư: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, kịp thời hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ, trang thiết bị để cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Thứ năm: Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiềm kiếm và mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ sáu: Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 của Sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc hành chính. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
Thứ bảy: Thường xuyên nắm tình hình cung cầu và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân để tham mưu UBND tỉnh các giải pháp điều tiết khi cần thiết nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là dịp lễ, tết.