Tình hình phát triển kinh tế tập thể năm 2019 và Kế hoạch năm 2020 trên địa bàn tỉnh (24/09/2019)

            Cùng với quá trình đổi mới kinh tế, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập thể nước ta nói chung, kinh tế tập thể tỉnh Đắk Nông nói riêng đã có nhiều bước chuyển, nổi bật. Kinh tế tập thể, nòng cốt là mô hình hợp tác xã (HTX) là sự liên kết những người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để hợp sức, chung vốn tạo điều kiện thuận lợi, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Liên kết hợp tác kinh doanh, chia sẻ nguồn lực, lợi tức, kinh nghiệm, tạo nên mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên hỗ trợ tương trợ lẫn nhau. Quan hệ kinh tế luôn được gắn liền với các quan hệ xã hội của xã viên, có xu hướng liên kết cộng đồng cùng phát triển vì một mục tiêu chung.

          Là một tỉnh với dân số gần 645.401 người trong đó 84,96% dân số sống ở nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 34.104 ngàn đồng/năm (số liệu năm 2018), lựa chọn mô hình kinh tế tập thể là một tất yếu khách quan.

           Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng cũng như những đóng góp của kinh tế tập thể đối với việc phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho các HTX cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí mới thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, tổ chức đi học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả ở tỉnh bạn, chính sách về đất đai, tín dụng... Do vậy, trong thời gian qua, các HTX đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với biến động của nền kinh tế, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên theo hướng ổn định và phát triển.

           Tính đến 30/8/2019, trên địa bàn tỉnh có 140 HTX trong đó 129 HTX đang hoạt động với 9.250 thành viên, giải quyết việc làm cho khoảng 1.427 lao động trong đó có 756 lao động thường xuyên và 671 lao động thời vụ. Với doanh thu trung bình ước đạt 925 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của 01 thành viên HTX khoảng 54 triệu đồng/thành viên/năm.

              Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, mục tiêu đề ra cho năm 2020 là đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, giá trị HTX và các quy định của pháp luật. Khuyến khích thành lập HTX liên kết giữa các trang trại có cùng ngành nghề, vùng sản xuất; xây dựng mối liên kết giữa các Tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, mở rộng quy mô, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, góp phần xây dựng nông thôn mới, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của thành viên và cộng đồng dân cư. Phấn đấu đến cuối năm 2020, thành lập mới từ 16 - 20 HTX, bình quân 02 HTX/huyện, thị xã; tăng tỷ lệ HTX khá/giỏi lên 35%, HTX trung bình 40%, giảm HTX yếu/kém xuống còn 15%, HTX; Xây dựng mỗi huyện, thị xã có từ 1-2 mô hình HTX điển hình; Thu nhập bình quân của người lao động và thành viên trong các HTX trên 30 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân của HTX đặt 950 triệu đồng/năm.

              Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác phát triển kinh tế tập thể của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, việc cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào cho các thành viên HTX chưa được chú trọng, gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đa phần các HTX đều thiếu vốn, nguồn vốn hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn góp của xã viên, khả năng huy động vốn từ nguồn vốn tín dụng thấp, yếu về công tác quản lý, sản xuất kinh doanh chủ yếu tự phát, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chất lượng, ... đa số sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng các yêu cầu của các siêu thị và các nhà máy chế biến. Mặt khác bộ máy quản lý về Tổ hợp tác, HTX còn hạn chế, hầu hết UBND cấp xã chưa phân công cán bộ theo dõi lĩnh vực kinh tế tập thể, chưa qua đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu, chưa đủ năng lực tham mưu giúp chính quyền thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.

          Để khắc phục các khó khăn và đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế tập thể để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2020, toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất: Căn cứ vào các văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương, tỉnh tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện để Luật Hợp tác xã năm 2012 đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển phát triển. Triển khai các chính sách phát riển kinh tế tập thể của tỉnh, Trung ương để tất cả các HTX được hưởng những chính sách này.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại chính sách HTX về xây dựng, phát triển hợp tác xã gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội chợ kết hợp với tuyên truyền về kinh tế tập thể, HTX. Nâng cao chất lượng tin bài, thông tin trên website của tỉnh, của cơ quan báo, đài địa phương về phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Thứ ba: Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ tư: Nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế tập thể, HTX, phối hợp rà soát, đánh giá, kiện toàn, củng cố hoạt động của HTX  theo Luật HTX năm 2012, xử lý dứt điểm các HTX yếu kém hoặc ngừng hoạt động.

 Thứ năm: Tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực, phấn đấu đưa kinh tế tập thể từng bước thoát khỏi những yếu kém, góp phần tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa các Tổ hợp tác, HTX với nhau; giữa Tổ hợp tác, HTX với các thành phần kinh tế để ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ  sản phẩm, chủ động tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ nâng dần năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn.

Thứ sáu: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

Thứ bảy: Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể./.

Nguyễn Thị Phượng - VP

Lượt xem:  493 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Liên kết web