Theo đó, luân chuyển cán bộ là việc cử có thời hạn cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch từ cấp trên xuống cấp dưới và ngược lại; giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ và làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Bên cạnh đó, luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và cán bộ giữ cấp trưởng không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp.
Luân chuyển cán bộ là nhằm mục đích tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn và phù hợp với thực trạng cán bộ của địa phương. Đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ nói chung và công tác luân chuyển cán bộ nói riêng; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Người địa phương được hiểu là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó hoặc là người đã học tập, công tác từ 20 năm trở lên ở địa phương đó. Địa phương trong Quy định này là các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh (đối với cấp huyện); xã, phường, thị trấn (đối với cấp xã).
Không luân chuyển cán bộ từ huyện, thành phố về tỉnh; từ xã, phường, thị trấn về huyện, thành phố và ngược lại hoặc từ địa phương này sang địa phương khác đối với những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.
Về phạm vi luân chuyển, gồm: Từ tỉnh về cấp huyện và ngược lại; từ tỉnh về xã, phường, thị trấn; từ cấp huyện về xã, phường, thị trấn và ngược lại; luân chuyển giữa các cơ quan, đơn vị khối đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; luân chuyển trong nội bộ giữa các bộ phận thuộc ngành, đơn vị.
Đối tượng luân chuyển, gồm: Cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo của địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Cán bộ nguồn của tỉnh. Cán bộ cần phải luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương. Cán bộ giữ chức vụ cấp trưởng tại một địa phương, cơ quan, đơn vị quá hai nhiệm kỳ liên tiếp cần phải luân chuyển.
Đối với cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 02 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng. Đối với cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó. Đối với cán bộ nguồn của tỉnh, tùy thuộc vào chức danh đang đảm nhiệm và năng lực, kinh nghiệm, thâm niên công tác, tiêu chuẩn của cán bộ để bố trí chức vụ luân chuyển cho phù hợp (có thể làm cấp phó hoặc cấp trưởng).
Cán bộ luân chuyển được bảo lưu chế độ, phụ cấp trách nhiệm nêu chức danh luận chuyển có chế độ, phụ cấp trách nhiệm thấp hơn. Cán bộ luân chuyển có thành tích đặc biệt xuất sắc (có sáng kiến, sản phẩm công tác cụ thể được cấp có thẩm quyền công nhận) được xem xét nâng lương trước thời hạn; được ưu tiên khi xem xét bố trí công tác sau luân chuyển.
Về tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền quyết định luân chuyển, quy trình thực hiện luân chuyển, hồ sơ cán bộ, thời gian luân chuyển được cụ thể chi tiết tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Quy định số 04-QĐ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông./.