Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (20/08/2020)
Thực hiện nội dung Kế hoạch số 434/KH-UBND ngày 14/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về Kế hoạch triển khai Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Sau khi nghiên cứu, Sở Công Thương gửi tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông một số nội dung chủ yếu của Kế hoạch, cụ thể như sau:

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

- Bảo đảm minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

- Xây dựng được Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Đắk Nông, từng bước kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, quốc tế.

- Nâng cao uy tín của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Đắk Nông.

2. Chỉ tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn từ năm 2020-2025

- Truy xuất nguồn gốc ít nhất được 05 nhóm sản phẩm nông - lâm - thủy sản, thực phẩm chủ lực và tiềm năng của tỉnh, huyện (05 nhóm sản phẩm đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, thẻ, tem truy xuất nguồn gốc,...).

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh (Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh) và kết nối tham gia áp dụng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia cho tối thiểu 05 nhóm sản phẩm, hàng hóa.

2.2. Giai đoạn từ năm 2026-2030

- Có tối thiểu 30% cơ sở/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh.

- Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh bảo đảm kết nối được với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

3.1. Tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định, văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; về đăng ký sử dụng mã số mã vạch cho cán bộ, công chức các cơ sở, doanh nghiệp và toàn thể xã hội.

- Tham gia, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các cán bộ, công chức làm công tác quản lý.

          3.2. Xây dựng, triển khai, duy trì và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh

- Khảo sát, tư vấn, hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm hàng hóa để tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số, mã vạch tại cơ sở/doanh nghiệp dựa trên ứng dụng thông tin điện tử sử dụng mã QR và công nghệ mã số mã vạch.

- Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh: Xây dựng cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh để phục vụ việc cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

- Triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá đối với nhóm sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp, thực phẩm chủ lực của tỉnh; các sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu của các cơ quan liên quan và theo nhu cầu của doanh nghiệp.

- Triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ đẩy mạnh hoạt động áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

- Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, đánh giá, chứng nhận sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã truy vết.

- Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.

3.3 Đánh giá việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh

Tổ chức Hội nghị sơ kết vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030 việc triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của kế hoạch; xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của địa phương.

- Hằng năm, trên cơ sở đề xuất của các Sở, Ban, ngành và các quy định có liên quan xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh ban hành.

- Hướng dẫn triển khai áp dụng và phổ biến các văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan triển khai Kế hoạch; hướng dẫn triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi, kết nối dữ liệu truy xuất với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; định kỳ hằng năm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình triển khai Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc của các cơ sở, doanh nghiệp; tổ chức sơ kết và tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch.

4.2. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương

- Tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch; Hướng dẫn các cơ sở/doanh nghiệp thuộc ngành quản lý xây dựng dữ liệu truy xuất nguồn gốc đúng quy định.

- Cập nhật, cung cấp danh sách và thông tin các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; giới thiệu các đơn vị sản xuất, kinh doanh có uy tín tham gia xây dựng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc nghiên cứu, đề xuất giải quyết những vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; đề xuất hoàn thiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, hệ thống thông tin cần thiết trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Phối hợp quản lý, giám sát và xử lí vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền.

4.3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tham mưu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý, kết nối vào hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

- Hướng dẫn các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác truy xuất nguồn gốc bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan xem xét đánh giá và đề xuất giải pháp nhằm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

4.4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tuyên truyền, phổ biến, cung cấp các thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên thị trường để các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể xã hội biết ý nghĩa và lợi ích thiết thực của truy xuất nguồn gốc. Xây dựng các chương trình, chuyên mục về hiệu quả của một số sản phẩm, hàng hóa đã truy xuất nguồn gốc.

4.5. Sở Tài chính: Có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành tham mưu các cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

4.6. Các Sở, ngành liên quan

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch.

Tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch đến các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để tham gia thực hiện.

4.7. Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể tuyên truyền vận động đến toàn xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp biết và nhận thấy được lợi ích thiết thực về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

4.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa

Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn quản lý.

Phổ biến tuyên truyền Kế hoạch này đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa trên địa bàn quản lý; giới thiệu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm chất lượng tham gia Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Đắk Nông.

Phối hợp các Sở, ngành tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Sở Công Thương cung cấp thông tin nêu trên để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh biết, chủ động triển khai thực hiện./.

 

Trương Công Phước - QLTM

Lượt xem:  426 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web