NHÌN TỪ ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2019/NĐ-CP (04/11/2019)
Ngày 01/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị định quy định gồm 11 chương, 89 điều, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019.

Đối tượng áp dụng của Nghị định này là cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước và Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

          Nghị định đã dành một chương về đánh giá công tác PCTN gồm nguyên tắc và các tiêu chí. Trong đó 6 Tiêu chí đánh giá về số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng; 3 Tiêu chí đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; 2 Tiêu chí đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (với 12 điểm); 2 Tiêu chí đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng (với 7 điểm); 3 Tiêu chí đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Ảnh minh họa. (Nguồn Tạp chí Dân vận)

Một trong những điểm mới của Nghị định 59 là đưa ra chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có quy định về quy tắc ứng xử (tại Điều 20 của Luật). Nghị định còn nhận diện 9 trường hợp xung đột lợi ích trong đó “Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình”, “giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu”, “Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”. Tham nhũng tồn tại cùng quyền hành và thế lực, không có quyền hành, thế lực, không thể tham nhũng.

Qua đó, cho thấy thực trạng thời gian qua không ít vụ việc tham nhũng có căn nguyên từ việc cất nhắc đưa người thân vào các vị trí then chốt của công tác quản lý Nhà nước dẫn đến nhiều hệ lụy như mất đoàn kết do cục bộ nhóm, gia đình trị, “hậu duệ”, “quan hệ”, tạo nên cảnh “con vua thì lại làm vua”, quyền lực ban phát hoặc đi tìm quyền lực vì thực tiễn cho thấy ở đâu có quyền lực thì ở đó có tham nhũng, người có năng lực không có cơ hội phát huy hoặc ra đi… từ đó tạo nên sức ỳ trong cơ quan, trong hệ thống, hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân, một trong những nguy cơ lớn của đất nước.

Như vậy, tham nhũng, tiêu cực và nhận diện chúng như thế nào, để xử lý là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp trong mỗi con người của chính chúng ta, là vấn đề mà Đảng và Nhân dân đang hết sức quan tâm.

Nghị định quy định các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng cụ thể, ban hành danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương. Biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước. Các hình thức xử lý đối với trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; đồng thời quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.

Cụ thể, danh mục 119 vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi đối với 2 nhóm cụ thể là: a) Quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị: 3 vị trí; b) trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc có 116 vị trí; gồm: Tổ chức cán bộ: 8; Tài chính, ngân hàng: 11; Công thương: 3; Xây dựng: 5; Giao thông: 4; Y tế: 9;. Văn hóa – thể thao và du lịch: 10; Thông tin và truyền thông: 4; Tài nguyên và môi trường: 8; Nông nghiệp và phát triển nông thôn: 5; Đầu tư và ngoại giao: 9; Tư pháp: 4; Lao động - thương binh và xã hội: 5; Khoa học và công nghệ: 5; Giáo dục và đào tạo: 7; Quốc phòng: 6; Công an: 11; Thanh tra và phòng, chống tham nhũng: 2.

Thiết nghĩ, trong một tổ chức, một đơn vị, nhưng mục tiêu hướng đến của từng thành viên không được tập trung cao độ thì hiệu quả mang lại từ việc thực thi nhiệm vụ sẽ không cao. Suy cho cùng đó là sự xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, trong đó phần cá nhân chiếm ưu thế. Việc xây dựng danh mục chi tiết các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi và kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của cơ quan, đơn vị lần này có 119 vị trí, mở rộng hơn so Nghị định trước đây (Nghị định số 158/2007/NĐ-CP) có 21 vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực, ngành, nghề. Sự chuyển đổi này sẽ giúp cho cá nhân có dịp cọ xát thực tế thêm trong quá trình làm việc, khám phá thêm những khả năng tiềm ẩn, những sáng tạo của mình trong vị trí việc làm mới, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần trong công tác phòng, ngừa tham nhũng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ không chỉ “chống”, mà cơ bản, lâu dài chính là “xây”. “Chống” là quan trọng, cấp bách, phải làm và làm quyết liệt, nhưng không phải cứ nhăm nhăm đi “chống”, xảy ra rồi thì phải “chống”, cái chính là phải “xây” để ngăn ngừa, răn đe, đừng xảy ra là tốt nhất. Phải xây dựng cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ để chống chạy chức, chạy quyền, tham nhũng quyền lực.

Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu”. Ảnh ST

Có thể nói “Tham nhũng là giặc nội xâm”, kẻ thù không rõ ràng, là “kẻ thù không mang gươm, mang súng”, do đó giặc ngoài dễ chống, giặc trong khó phòng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến đầy gian nan, trường kỳ, là đấu tranh với cái lý cái tình, giữa các mối quan hệ, đồng chí. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao “Tư cách một người cách mạng”, “phải cần, kiệm, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất”, “tham ô là ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”.

Lần này Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ với những điểm mới, sẽ tạo thêm hành lang pháp lý, đảm bảo khung chế tài trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Xem chi tiết Nghị định 59/2019/NĐ-CP./.

 

XD

Lượt xem:  1,368 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Liên kết web