GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỆ “THAM NHŨNG VẶT” (03/10/2019)
Tham nhũng được xác định là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, làm suy yếu hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước; tương tự, hậu quả “tham nhũng vặt” cũng gây ra sự sút giảm uy tín của Đảng, mất mát lòng tin của nhân dân với Đảng, đe dọa sự vững bền của chế độ… Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp thiết, nặng nề của Đảng, Nhà nước và toàn dân.

Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018: tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi.

Hành vi tham nhũng có thể phân thành[1]: hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện (Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thanh hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi) và hành vi tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước (Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi) do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện.

“Tham nhũng vặt” là hành vi của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong các cơ quan của hệ thống chính trị (hoặc người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ) lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ, giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công; bắt buộc hoặc gợi ý người dân, doanh nghiệp phải lo lót, “bôi trơn” nhằm vụ lợi, làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhận diện về hành vi “tham nhũng vặt”, Đề án số 09-ĐA/TU ngày 08/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông định nghĩa: “tham nhũng vặt” được hiểu là hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, mà tài sản tham nhũng có giá trị dưới 100 triệu đồng (mức tối đa của Khoản 1, các tội về tham nhũng theo quy định của Bộ Luật hình sự 2018).

“Tham nhũng vặt” không phải là một hành vi tham nhũng cụ thể mà nó được biểu hiện thông qua các hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tình trạng tham nhũng vặt còn biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Tác hại của “tham nhũng vặt” để lại hậu quả nặng nề, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; làm tha hóa, biến chất đội ngũ công chức, viên chức khi mà giải quyết công việc chỉ biết vụ lợi. 

“Tham nhũng vặt” còn làm sai lệch, vô hiệu hóa các quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, điều hành, phá vỡ chuẩn mực của pháp luật trong quan hệ của người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền. Hành vi “tham nhũng vặt” bị nghiêm cấm đối với đảng viên, CBCCVC, chiến sỹ trong quân đội, công an, biên phòng. Chế tài xử lý “tham nhũng vặt” tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính, đồng thời còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua chúng ta chú trọng xử lý các vụ án tham nhũng có giá trị lớn, việc phòng, chống “tham nhũng vặt” chưa được quan tâm đúng mức. Trong thực tế, tham nhũng vặt xuất hiện khắp mọi nơi; một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa xóa bỏ được tâm lý đưa quà cáp, biếu xén, thậm chí là hối lộ để được giải quyết công việc (là “lót tay”, “bôi trơn”). Nguyên nhân từ việc ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành vẫn còn tình trạng CBCCVC còn gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu vì động cơ vụ lợi, đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, nhằm mục đích cá nhân; kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định; làm cho người dân, doanh nghiệp muốn được việc phải chấp nhận tiêu cực, “có quan hệ”, biết “luồn, cúi” ngay cả việc kém về năng lực, phẩm chất nhưng lại muốn leo cao, luồn sâu để có “ô dù” che chắn, nâng đỡ; gây bức xúc đối với xã hội, làm sai lệch giá trị chuẩn mực trong hệ thống các cơ quan công quyền, giảm sút niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng môi trường kinh doanh, đầu tư...

“Tham nhũng vặt” có đất sống có thể do nhiều nguyên nhân: về nhận thức: một số cấp lãnh đạo những nơi xảy ra hành vi này coi nhẹ ảnh hưởng của nó; sự tha hóa, biến chất của một bộ phận công chức, viên chức, không kiềm chế được lòng tham nên đã lợi dụng cương vị công tác để nhũng nhiễu, vụ lợi; tâm lý tiểu nông không hiểu biết về các quy định pháp luật có liên quan của phần đông của người dân trong giai đoạn nền kinh tế phát triển; về ý thức đạo đức công vụ, đạo đức đảng viên: không tuân thủ, về cơ chế quản lý, đánh giá cán bộ: chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ (yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm dễ phạm sai lầm), về kiểm tra, giám sát: không nghiêm, mang tính hình thức; mức độ xử lý sai phạm chưa mang tính răn đe… 

Đấu tranh phòng, chống tệ “tham nhũng vặt”, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 473/KH-UBND, ngày 11/9/2019 về thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU ngày 08/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông”.

Theo đó, ngoài việc quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của CBCCVC và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN; Phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện các quy định về phòng, ngừa tham nhũng: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (các thủ tục hành chính, lĩnh vực quản lý ngân sách, mua sắm, đầu tư công, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, công tác tổ chức cán bộ...); xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; chấp hành nghiêm các quy định về chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC; Thực hiện việc minh bạch tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và xác minh theo quy định; triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để người dân giám sát thực hiện; Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò công tác truyền thông.

Bên cạnh đó, Kế hoạch số 473/KH-UBND cũng đưa 3 giải pháp phát hiện và xử lý hành vi “tham nhũng vặt” là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thanh tra, kiểm tra công vụ để chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng; Thực hiện có hiệu quả công tác rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước hàng năm và Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng với phương châm “tích cực, khẩn trương; làm đến đâu xử lý đến đó; bất kể người có hành vi tham nhũng, lãng phí là ai, có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra; đã có kết luận hành vi phạm tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”.

Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bám sát định hướng chủ trương của Đảng là việc làm thường xuyên và liên tục; mọi cấp, mọi ngành, đặc biệt là người dân cần được nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật; phát huy vai trò giám sát hoạt động, phản biện đấu tranh chống tệ tham nhũng nói chung, tệ “tham nhũng vặt” nói riêng đối với các cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên và tố giác các hành vi tham nhũng với cơ quan có thẩm quyền; biểu dương, khuyến khích kịp thời đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.



[1] Quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

 

XD

Lượt xem:  2,061 Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Liên kết web