1. Phía Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero COVID”, trì hoãn mở cửa nền kinh tế mới mục tiêu quét sạch các ca nhiễm trong cộng đồng, trong khi Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới với Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn trong việc vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tại thời điểm ngày 26/12/2021 có khoảng hơn 5000 xe container hàng hóa xuất khẩu đang ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông báo tạm dừng tiếp nhận mặt hàng hoa quả, thủy sản đông lạnh, những mặt hàng dễ hư hỏng, khó bảo quản; những mặt hàng chưa đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc ra khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để xuất khẩu. Thời gian từ ngày 17/01/2022 đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
2. Các cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu đối với hàng hóa bảo quản lạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tạm dừng trước Tết 14 ngày và sau Tết 14 ngày) để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết,việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam khi năng lực thông quan hiện nay rất hạn chế.
3. Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. Các văn bản nêu trên có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam vẫn đang rất lúng túng với các quy định mới này.
4. Theo công điện số TCOCD 1199 ngày 16/12/2021 của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo việc trang thông tin điện tử của Chính phủ Trung Quốc đăng Thông báo về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các thành phố cửa khẩu. Trong đó nêu 08 biện pháp để phòng chống dịch bệnh. Nhiều biện pháp sẽ tiếp tục tác động lớn đến cơ chế điều hành, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Các yếu tố nêu trên sẽ ảnh hưởng rất lớn có thể gây nên tình trạng ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu biên giới trong thời gian tới, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông khuyến cáo đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ vận tải…trên địa bàn tỉnh một số nội dung cụ thể sau:
1. Ngày 10/01/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND về việc hỗ trợ giải phóng hàng hóa hiện đang chờ xuất khẩu; đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường tại các cửa khẩu, lối mở biên giới. Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông gửi kèm theo, đề nghị quý đơn vị nghiên cứu thực hiện.
2. Cân nhắc và điều tiết việc đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đến các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Có phương án lựa chọn các phương thức xuất hàng bằng đường biển, đường sắt, đồng thời có kế hoạch tiêu thụ nội địa. Xem xét tạm thời tạm dừng đưa hàng hóa đến khu vực cửa khẩu biên giới trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
3. Đảm bảo việc phân loại, đóng gói, bao bì, bảo quản; phân định rõ chất lượng, chủng loại hàng hóa (hoa quả, nông sản, thủy sản…) phù hợp với các điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian giao hàng hóa tại cửa khẩu. Theo dự báo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, dự báo trong thời gian tới hàng hoa quả (dưa hấu) sẽ xuất khẩu nhiều trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (do hiện nay phía Trung Quốc chỉ đang kiểm soát chặt đối với hàng hoa quả phải bảo quản lạnh như thanh long, xoài…Đối với quả dưa hấu không phải bảo quản lạnh, phía Trung Quốc không thực hiện kiểm soát chặt. Tuy nhiên việc xuất khẩu dưa hấu đang gặp vướng mắc do cách bảo quản của các hộ dân,chủ hàng khi đưa hàng lên các tỉnh biên giới (hiện nay các xe chở dưa hấu vẫn sử dụng “rơm” để bảo quản trong quá trình vận chuyển, nhưng theo quy định của phia Trung Quốc đưa ra thì quả dưa hấu chỉ được nhập khẩu khi bảo quản bằng xốp hoặc lưới. Do vậy đối với các xe hoa quả được bảo quản bằng rơm khi đưa ra các cửa khẩu phía Trung Quốc sẽ không cho thông quan, yêu cầu thay đổi cách đổi cách bảo quản dẫn đến hàng hóa chậm, khó thông quan, ùn ứ cục bộ tại cửa khẩu, các doanh nghiệp phải mất thêm chi phí hạ hàng và thay đổi cách bảo quản.
4. Đối với các doanh nghiệp, chủ hàng quá cảnh, thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa cần thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế. Căn nhắc việc tạm nhập, đưa hàng hóa quá cảnh qua Việt Nam để xuất khẩu, tái xuất sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để tránh các rủi ro, thiệt hại không đáng có, góp phần khắc phục, giảm tình trạnh ùn ứ, tồn đọng hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
5. Trong dài hạn, khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với hàng nông sản./.