Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Sở Công Thương đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại:
- Có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ tết, hạn chế việc dừng sản xuất trong dịp tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường. Đồng thời chú trọng sản xuất an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong sản xuất. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các đại lý đầu cơ hàng nâng giá, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
- Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với toàn thể cán bộ, nhân viên tại cơ sở về thực hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phụ gia thực phẩm thuộc danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.
- Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ tiểu thương buôn bán các sản phẩm có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và được phép lưu thông trên thị trường theo quy định pháp luật hiện hành.
- Đẩy mạnh khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) đảm bảo cung ứng đủ theo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú ý các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
- Chủ động tham gia các chương trình bình ổn thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; Tham gia bán hàng tại các hội chợ, phiên chợ tại các khu tập trung đông dân, vùng sâu, vùng cao, biên giới; Có phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa cho các địa bàn dân cư trong trường hợp dịch bệnh Covid bùng phát phải thực hiện cách ly.
- Phản ánh kịp thời với Sở Công Thương về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh để Sở có hướng tham mưu đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
- Đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết; kiểm soát chất lượng, số lượng, tránh gian lận trong kinh doanh; thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
- Đối với Công ty Điện lực Đắk Nông phải đảm bảo cung ứng điện, trong đó đặc biệt lưu ý phương án dự phòng để đảm bảo điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Chỉ đạo phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thành phố Gia Nghĩa:
- Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với cấp trên biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Tăng cường đôn đốc các đơn vị phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với các cơ sở chăn nuôi tập trung có phương án đảm bảo nguồn cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống phục vụ tết cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng.
- Chủ động tham mưu UBND huyện, thành phố các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương như hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, hoa, cây cảnh,…nhằm phục vụ nhân dân vui chơi, mua sắm Tết.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, đầu cơ tích trữ và các hành vi kinh doanh trái phép khác như sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và mua bán trái phép các loại pháo nổ; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả hàng hóa...để người tiêu dùng thật sự tin tưởng các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường, đảm bảo thị trường lành mạnh, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
- Chỉ đạo Ban quản lý các chợ trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động lưu thông hàng hoá qua chợ trong đó chú trọng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hoá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức sắp xếp mặt bằng kinh doanh hợp lý, thực hiện văn minh thương mại, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự khu vực chợ….
- Hướng dẫn các chợ trên địa bàn triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bện Covid-19 để duy trì hoạt động của các chợ nhằm đảm bảo cung ứng, trao đổi hàng hóa trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn và chính quyền xã, phường làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ và kịp thời về tình hình thị trường, cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu. Kiểm soát chặt chẽ các thông tin thất thiệt nhằm gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
3. Chế độ báo cáo:
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại báo cáo Kế hoạch chuẩn bị Tết, tình hình dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán trước ngày 30/11/2021.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo đánh giá tình hình thị trường, giá cả hàng hoá trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo nội dung sau:
+ Đợt 1: Báo cáo đánh giá tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hoá trên địa bàn dịp cuối năm trước ngày 25/12/2021.
+ Đợt 2: Báo cáo đánh giá tình hình thị trường, giá cả hàng hoá trên địa bàn dịp sát Tết Nguyên đán Nhâm Dần trước ngày 23/01/2022.
+ Đợt 3: Báo cáo tổng kết tình hình phục vụ Tết trước ngày 05/02/2022.
Mọi thông tin báo cáo gửi về: Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông
Địa chỉ: Khu Sùng Đức, P.Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Điện thoại: 02612 216 946.