Chiến lược phát triển thương mại (23/07/2021)
Ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021  2030: Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0 - 15,5% vào GDP cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH&DTDVTD) (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 13,0 - 13,5%/năm; đến năm 2030: Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; TMBLHH&DTDVTD trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong TMBLHH&DTDVTD chiếm khoảng 38 - 42% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế. Thương mại điện tử phát triển nhanh với hành lang pháp lý hoàn thiện, áp dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng với phương tiện hỗ trợ đầy đủ, bảo đảm tính an toàn và thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch; đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5 - 11% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 20 - 21%/năm; phấn đấu đạt trên 40 - 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước. Khung khổ pháp lý, thể chế, chính sách phát triển thương mại trong nước được cơ bản hoàn thiện và đồng bộ, hiệu quả quản lý nhà nước được củng cố, tăng cường. Môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường và cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm cho các hoạt động thương mại vận hành phù hợp với quy luật thị trường, điều kiện phát triển kinh tế trong nước và yêu cầu của hội nhập; cơ bản hình thành khung chính sách về hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối xanh bền vững, đảm bảo triển khai có hiệu quả các mô hình phân phối xanh bền vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (khu vực, vùng, miền và cả nước); hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2031 – 2045: Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 8,5 - 9,0%/năm; đến năm 2045 đóng góp khoảng 15,5 - 15,7% vào GDP cả nước. TMBLHH&DTDVTD (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 12,0 - 12,5%/năm; đến năm 2045: Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 75%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; TMBLHH&DTDVTD trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong TMBLHH&DTDVTD chiếm khoảng 50% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chữ đạo trong giao dịch thương mại; đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15 - 16% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12 - 13%/năm; phấn đấu đạt trên 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước. Thể chế, chính sách, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước được hoàn thiện; môi trường kinh doanh trên thị trường trong nước hoàn toàn thông thoáng, nhà nước chỉ tham gia điều chỉnh thị trường khi có bất ổn gây đột biến thị trường, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đối với các vấn đề khác của thị trường, chỉ định hướng quản lý thông qua hệ thống thể chế, chính sách, các công cụ tài chính, tín dụng, các đòn bẩy kinh tế phù hợp với cam kết hội nhập. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa trên phạm vi toàn quốc, được dán nhãn công trình thương mại xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống cháy nổ...; 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa, hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo phát triển đầy đủ theo quy hoạch, các loại hình hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại chiếm số lượng lớn, dần đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hóa trên thị trường.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng Cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện 09 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế:

- Rà soát, sửa đổi Luật Thương mại 2005 theo hướng tạo thêm nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan, tương thích với các Luật liên quan khác, phù hợp với bối cảnh tình hình mới trong nước và hội nhập quốc tế, hoàn thành trước năm 2025;

- Rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bao gồm: quy định về nhãn, mác hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, truyền thông quảng cáo, thông tin thị trường ...;

- Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; rà soát, tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thương mại trong nước theo hướng giảm bớt thủ tục và thời gian thực hiện, đẩy nhanh việc cung ứng và nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường;

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo tại Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ban hành theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;

- Hoàn thiện các quy định, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về hệ thống phân phối xanh, trước hết là hệ thống phân phối bán lẻ bao gồm chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và áp dụng trên phạm vi cả nước; xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh, bền vững, chính sách thúc đẩy sự tham gia của các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường trong các hệ thống phân phối;

- Nghiên cứu xây dựng và sử dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với cam kết hội nhập để kiểm soát nguồn cung hàng nhập khẩu, bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp trong nước;

- Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý thị trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa trong tình hình mới.

2. Gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa:

- Tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ;

- Triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới 2030 theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo;

- Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;

- Xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, ứng dụng công nghệ QR Code, Data Matrix, RFID đối với sản phẩm, hàng hóa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước; nghiên cứu, phát triển và đưa vào triển khai mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) để dự báo thị trường và gắn kết hiệu quả các quá trình sản xuất với nhu cầu thị trường;

- Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,...) trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam;

- Khảo sát, đánh giá thực trạng và triển khai giải pháp phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường xanh tại cơ sở phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) và cơ sở phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...).

3. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại:

- Rà soát tổng thể và đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, phù hợp với các luật chuyên ngành và phù hợp với cam kết quốc tế;

- Nghiên cứu xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế, hoặc sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 về phát triển và quản lý chợ;

- Hoàn thiện, bổ sung các chính sách về đầu tư công trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại; bố trí, phân bổ nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại theo đúng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn 5 năm;

- Tiếp tục rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại; đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ ngân sách nhà nước đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không có điều kiện để thực hiện xã hội hóa;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, từng vùng và cả nước theo từng giai đoạn;

- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các loại hình hạ tầng thương mại đồng thời hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý để phù hợp với nhu cầu thực tiễn;

- Hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với đặc điểm của tài sản và phù hợp với quy định tại Chương IV Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Nghiên cứu phát triển và nhân rộng các cơ sở phân phối xanh, bền vững trên cơ sở tăng cường áp dụng hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả trong lưu kho, phân phối;

- Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển mạng lưới chợ toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ và xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ; tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ đô thị tại trung tâm quận, thị xã, thành phố hiện có và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn; rà soát, đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phát triển chợ nông thôn theo mục tiêu đề ra; ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư công phát triển các chợ truyền thống mang tính văn hóa cần bảo tồn, các chợ biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc;

- Rà soát, bố trí phát triển mạng lưới cơ sở thu mua nông sản, đặc sản địa phương và mạng lưới các cơ sở cung ứng, phân phối hàng hóa tiêu dùng quy mô vừa và nhỏ theo mô hình hiện đại tại các trung tâm huyện lỵ; tiếp tục nhân rộng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm (trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số) trên cơ sở Tiêu chuẩn Việt Nam về Chợ kinh doanh thực phẩm;

- Xây dựng hệ thống kho tổng hợp và chuyên dụng, kho lạnh (đặc biệt là kho dự trữ, bảo quản hàng nông sản và hàng tiêu dùng thiết yếu) phục vụ bình ổn thị trường và cân đối cung cầu trong các thời điểm bất ổn về giá trong và ngoài nước;

- Rà soát, đẩy mạnh công tác triển khai các quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng bán buôn theo hướng gắn kết các vùng sản xuất, cung ứng trong nước, nhất là các vùng sản xuất, cung ứng lớn, khu công nghiệp tập trung với các thị trường tiêu thụ trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống chợ đầu mối, thu hút đầu tư chợ đầu mối cấp vùng, chợ đầu mối theo tiêu chuẩn quốc tế;

- Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển và quản lý các loại hình trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động...; xây dựng tiêu chí điểm bán sản phẩm OCOP và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP;

- Rà soát việc triển khai quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến, cung cấp thông tin dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại và cung cấp thông tin tư vấn pháp luật liên quan đến dự án đầu tư, giúp doanh nghiệp hiểu rõ và tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

4. Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa:

- Thực hiện hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;

- Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới; quy định về quản lý và giải quyết tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm trong TMĐT;

- Triển khai ứng dụng hiệu quả mô hình quản lý các sàn giao dịch TMĐT, các website bán hàng điện tử, các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang diễn đàn, mạng xã hội (facebook, zalo,...);

- Nghiên cứu, thí điểm và triển khai nền tảng mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số Vpostcode, các ứng dụng giao thông mới hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT và logistics;

- Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn hóa quy trình đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng;

- Triển khai các chương trình, đề án TMĐT hóa nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh TMĐT cho người dân nông thôn; hỗ trợ các khoản vay cho người dân nông thôn để thực hiện TMĐT; phối hợp với các nền tảng TMĐT để tạo các gian hàng và hỗ trợ người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT;

- Xây dựng nền tảng trực tuyến cho hoạt động phân phối, tập trung phát triển thị trường trực tuyến cho các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường.

5. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nhân lực thương mại, đáp ứng yêu cầu bối cảnh hội nhập, yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ 4;

- Đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thương mại có khả năng làm chủ và tiếp nhận các công nghệ quản lý hoạt động kinh doanh mới;

- Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổng hợp phân tích thông tin thị trường phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp;

- Triển khai các đề án hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, kiến thức an toàn thực phẩm, văn minh thương mại cho các đối tượng là những người làm công tác quản lý thương mại tại các địa phương, người quản lý chợ, hợp tác xã thương mại, các hộ kinh doanh, lao động của ngành thương mại;

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề;

- Khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh; chú trọng đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành;

- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo, các chương trình phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng văn minh thương mại cho các hộ kinh doanh ở khu vực nông thôn;

- Hoàn thiện các chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành quản lý thị trường; xây dựng các chương trình đào tạo về phân phối bền vững cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; nghiên cứu lồng ghép các nội dung về phân phối, sản xuất và tiêu dùng bền vững trong các chương trình giảng dạy, đào tạo thuộc các cơ sở đào tạo, dạy nghề.

6. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường:

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại trong nước và đánh giá tác động của Luật, cơ chế chính sách đã ban hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về phân phối xanh, tiêu dùng xanh và phát triển bền vững;

- Tập trung nâng cao chất lượng thu thập thông tin sơ cấp và thứ cấp, năng lực nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường các nhóm hàng, mặt hàng (dự báo cung cầu, giá cả, xu hướng thị trường...) của các cơ quan quản lý lĩnh vực thương mại trong nước và tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức thường xuyên, kịp thời cho doanh nghiệp, người sản xuất cũng như người tiêu dùng;

- Thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường trên toàn quốc, cung cấp thông tin cho các cơ sở phân phối hiện đại lớn cũng như thông tin đến người tiêu dùng, để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm; tổ chức các kênh thông tin và thực hiện quảng bá sản phẩm thân thiện môi trường, cơ sở phân phối bền vững tới người tiêu dùng thông qua xây dựng hoạt động truyền thông riêng biệt trên các kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) và thông qua các hội nghị, hội thảo, xây dựng cẩm nang...;

- Tuyên truyền, vận động, triển khai các hoạt động phân phối hàng hóa thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, nhằm mục tiêu dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các - bon thấp, hài hòa, thân thiện môi trường.

7. Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại trong nước:

- Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh thương mại đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ cao được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan;

- Xây dựng các chính sách về hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tiếp cận và áp dụng các phần mềm, ứng dụng trong phương thức kinh doanh thương mại điện tử trên máy tính, điện thoại di động...;

- Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào các hoạt động kinh doanh trên thị trường nội địa; thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng, tiện ích mới như truy xuất nguồn hàng, QR Code, Data Matrix, RFID tại các kênh phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…;

- Ưu tiên, bố trí thêm nguồn lực, tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại trong nước và bắt kịp các xu thế mới trên thế giới;

- Hỗ trợ phát triển mô hình nghiên cứu khoa học liên kết công tư; từng bước thực hiện xã hội hóa, thị trường hóa sản phẩm khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thương mại;

- Ứng dụng khoa học và công nghệ và thông tin hiện đại thúc đẩy phân phối xanh bền vững thông qua nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ hiện đại, hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn;

- Đầu tư nguồn lực cho lực lượng quản lý thị trường để triển khai ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa.

8. Đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước:

- Nâng cao năng lực, thực thi hiệu quả hệ thống pháp luật, các đề án, chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thương mại và thị trường trong nước; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phát triển hệ thống phân phối xanh và bền vững; nâng cao năng lực triển khai hiệu quả công cụ Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI);

- Tập trung cải cách phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển. Chuyển đổi theo hướng số hóa công tác quản lý thông qua việc thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn về thương mại...; đẩy mạnh xã hội hóa về cung ứng dịch vụ công trong công tác quản lý nhà nước về thương mại nhằm hỗ trợ hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh mới;

- Tổ chức triển khai thực chất, hiệu quả các quy hoạch phát triển thương mại, trong đó có quy hoạch vùng để phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, tạo cực tăng trưởng, liên kết vùng... theo đúng quy luật của thị trường; giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách nhà nước;

- Đổi mới công tác điều hành giá cả nhằm kiểm soát lạm phát; xã hội hóa công tác bình ổn thị trường; xây dựng hệ thống dữ liệu một số mặt hàng thiết yếu để phục vụ công tác điều hành thị trường trong nước; thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu; triển khai tích cực Chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, thời gian tiêu dùng cao điểm;

- Triển khai quy hoạch, đồng thời tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện có; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội và môi trường;

- Đẩy mạnh công tác quản lý trật tự thị trường trong nước, tiếp tục kiện toàn tổ chức, cơ chế hoạt động của lực lượng quản lý thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, đặc biệt là hàng hóa giả chứng nhận nhãn xanh ngay từ tuyến biên giới đường bộ và đường biển; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

9. Nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại:

- Thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường cũng như các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại trên thị trường trong nước; phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp với xử lý các hoạt động thương mại gây ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên;

- Đối với các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phải triệt để tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn môi trường về xử lý chất thải lỏng, chất thải khí và chất thải rắn trong quá trình xây dựng và khai thác, vận hành dự án;

- Quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý tốt công tác thu hồi, thu gom phục vụ tái chế, tái sử dụng các loại chất thải trong hoạt động phân phối hàng hóa;

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra về môi trường. Khuyến khích chuyển đổi, thay thế công nghệ, thiết bị lạc hậu bằng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong hoạt động lưu thông và phân phối hàng hóa, dịch vụ;

- Tăng cường năng lực quản lý môi trường cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ thể tham gia kinh doanh, lao động trong ngành thương mại, cộng đồng và xã hội./.

 

 

 

 


 

Nguyễn Văn Mỹ

Lượt xem:  2,685 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Liên kết web