Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển ngành Công Thương tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020 (29/04/2020)

Sau gần 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), Nghị quyết số 22/2015/NQ-HĐND, ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch phát triển ngành công thương giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, đầu tư, thương mại gia tăng; trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát..., tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế cả nước nói chung, ngành công thương nói riêng. Trong tỉnh, cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm thực hiện, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển và những dự án đi vào hoạt động trong kỳ (nhà máy alumin Nhân Cơ, các nhà máy thủy điện, siêu thị, trung tâm thương mại...) đã nâng cao năng lực sản xuất, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành công thương, đồng thời là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá, tăng trưởng bình quân GRDP giai đoạn 2016-2020 ngành công nghiệp ước đạt 12,22%. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp năm 2020 dự kiến đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016 (1.185 tỷ đồng), Cơ cấu ngành công nghiệp trong tổng GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% của năm 2016 lên 12,06 vào năm 2020, góp phần làm cho cả Khu vực 2 tăng 47%, tăng cao nhất so với khu vực còn lại (KV1, KV3 và Thuế: 22%, 29% và 45%). Tăng trưởng công nghiệp trong thời gian qua góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ. Cơ cấu kinh tế (giá hiện hành) dự kiến năm 2020 là: Nông nghiệp chiếm 35,85%/43,55% (NQ22); Công nghiệp xây dựng chiếm 17,26%/22,08% (NQ22); Dịch vụ chiếm 42,20%/28,67% (NQ22); Thuế SP chiếm 4,69%/5,7% (NQ22). Trong giai đoạn 2016-2020 đa số sản phẩm chủ yếu điều tăng mạnh so với kỳ trước, ngành công nghiệp dần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nổi bật là dự án Alumin Nhân Cơ công suất 650.000,0 tấn/năm để khai thác tiềm năng, thế mạnh về khoáng sản bauxit trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm trực tiếp cho người lao động tại địa phương (1.100 người), đồng thời các loại hình dịch vụ trong vùng dự án cũng phát triển; Bên cạnh đó, thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông lâm sản dồi dào cũng được khai thác hiệu quả, tỉ lệ sản phẩm nông nghiệp được chế biến ngày càng tăng cao, các nhà máy chế biến được hình thành ; Nhu cầu thị trường về cà phê nguyên chất ngày càng phát triển, nhiều Doanh nghiệp chế biến cà phê bột được hình thành, nâng cao tỉ lệ chế biến cà phê bột trên địa bàn tỉnh, sản lượng cà phê bột giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6.915,0 tấn, vượt 4% kế hoạch đề ra và tăng 75% so với giai đoạn 2011-2015. Trong lĩnh vực chế biến gỗ, nhà máy sản xuất ván dán công nghệ cao của Công ty cổ phần ván công nghệ cao BiSon, công suất 60.000m3/năm, nâng cao giá trị sản phẩm lâm sản; các sản phẩm gỗ từ nguyên liệu gỗ rừng trồng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, đã thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực này tăng mạnh . Công nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng có giá trị cao (đá xẻ) phát triển cả về số lượng và chất lượng , phát huy tối đa giá trị khoáng sản thông thường trên địa bàn tỉnh. Ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp cũng có những bước phát triển đáng kể, nổi bật là nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm cửa nhựa lõi thép được hình thành đáp ứng nhu cầu thị trường, dần thay thế vật liệu truyền thống. Công nghiệp sản xuất điện năng (gồm 14 nhà máy thủy điện với công suất 349,11 MW và 02 nhà máy điện mặt trời với công suất 106,4 MWp) đang vận hành góp phần cung cấp nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia; mạng lưới phân phối điện phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống lưới điện nông phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp cho người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng, việc mua bán thuận lợi, giá cả ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển đa dạng, mở rộng xuống tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; hạ tầng thương mại từng bước phát triển, đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 46 chợ (tăng 05 chợ so với năm 2015) đang hoạt động được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn, còn lại 29 xã, phường chưa có chợ; 01 Trung tâm thương mại; 02 Siêu thị hạng III (tăng 01 siêu thị so với năm 2015); đầu tư xây mới trên nền chợ cũ 01 chợ hạng 1 (chợ Gia Nghĩa). Ngoài ra, đã thực hiện chuyển đổi hoàn thành mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác 02 chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý hoạt động hiệu quả hơn; có hơn 15.000 cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp thương mại; trên 252 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; hơn 200 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG), được phân bố rộng khắp trên địa bàn 71 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được quan tâm, tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; vệ sinh ATTP; chống gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng…. Qua đó, góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển, đã đáp ứng khá tốt nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 71.089 tỷ đồng, đạt 96,36% Kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,51%. Từ cơ cấu trong GRDP đứng thứ 2 năm 2016 (37,74%), dự kiến đến năm 2020 Khu vực 3 (Dịch vụ) đứng thứ nhất với 42,20% đẩy Khu vực 1 (Nông, Lâm, thủy sản) xuống thứ 2. Tổng giá trị gia tăng ngành dịch vụ (GRDP khu vực 3) đến năm 2020 dự kiến đạt 7.746 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2016 (6.027 tỷ đồng).

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, quy mô các mặt hàng xuất khẩu đã được tăng lên, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF... và trong kỳ có thêm sản phẩm chủ lực mới xuất khẩu đó là sản phẩm alumin; thị trường xuất khẩu tiếp tục duy trì và mở rộng, đến nay đã xuất khẩu đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ; số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng, trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (Công ty Olam), tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 20%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 5.132 triệu USD, đạt 118,77% kế hoạch đề ra. Nhập khẩu về cơ bản đã phục vụ tốt cho nhu cầu về nguyên liệu, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị cho phát triển sản xuất, xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 1.150 triệu USD, đạt 172,92% kế hoạch đề ra, một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là điều nguyên liệu, tiêu đen, gỗ, máy móc thiết bị.

Mặc dù cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên ngành công nghiệp của tỉnh thời gian qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, phát triển công nghiệp còn mang tính tự phát, thiếu tính bền vững; các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh kém,... một số dự án quan trọng và có tác động lớn đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp thực hiện chậm tiến độ như: Nhà máy alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động chậm hơn so với dự kiến (kế hoạch năm 2016 là 200 ngàn tấn, tuy nhiên chỉ đạt 30 ngàn tấn) và nhà máy điện phân nhôm của công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân đến nay vẫn còn đang tiến hành đầu tư và chưa đi vào hoạt động như kế hoạch (dự kiến năm 2018 đi vào hoạt động với sản lượng sản xuất là 150 ngàn tấn, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành và dự kiến đến năm 2021 mới đi vào hoạt động theo phân kỳ 1 là: 75 ngàn tấn); một số sản phẩm khác giảm trong kỳ như sản phẩm cồn, sản phẩm mía đường... một số sản phẩm khác tăng như điện sản xuất, ván MDF, đá xẻ xuất khẩu,... nhưng không bù đắp phần thiếu so với kế hoạch, dẫn đến không đạt được các mục tiêu đề ra. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có những bước tăng trưởng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao nhưng số doanh nghiệp của tỉnh tham gia hoạt động xuất nhập khẩu còn ít, năng lực hạn chế (tài chính, am hiểu luật pháp quốc tế, quản trị điều hành...), hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế (cà phê, hạt tiêu, alumin...), chịu ảnh hưởng lớn vào biến động giá cả và nhu cầu thị trường, nên hiệu qủa chưa cao và thiếu tính ổn định; nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu, sẽ gặp bất lợi khi giá thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường song vẫn còn nhiều hạn chế, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh còn diễn ra; hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm, nhưng cũng chưa đáp ứng nhu cầu, hiệu quả chưa cao.

 

 

T.Hương-VP

Lượt xem:  368 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web