Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I dự kiến tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,17%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,78%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 0,62%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%.
Thương mại và dịch vụ
Trong quý I, là thời điểm diễn ra các ngày Lễ, Tết nên nhu cầu mua sắm và sử dụng các dịch vụ của người dân tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, theo Khuyến cáo của Bộ Y tế về việc hạn chế tiếp xúc nơi đông người để tránh lây lan dịch bệnh làm cho hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh giảm sút: Người dân hạn chế việc sử dụng các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch, giao thông vận tải giảm nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 3.917 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 22,1% kế hoạch (17.715 tỷ đồng), trong đó: Thương nghiệp ước đạt 3.314,1 tỷ đồng, tăng 8,6%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 446,4 tỷ đồng, giảm 3,8%; du lịch ước đạt 0,183 tỷ đồng, giảm 5,2%; dịch vụ ước đạt 156,3 tỷ đồng, tăng 8%.
Xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 233 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 19,9% kế hoạch (kế hoạch 1.170 triệu USD), nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng tiêu đen, Alumin chiếm giá trị lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm. Kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 84 triệu USD, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm trước đạt 38,2% kế hoạch (kế hoạch 220), do các cơ sở nhập điều nguyên liệu và các sản phẩm nông sản khác (hạnh nhân, hạt dẻ…) để chế biến.
Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và mục tiêu kế hoạch Công nghiệp thương mại, đặc biệt là bối cảnh dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Công Thương chủ động xây dựng mục tiêu và giải pháp phát triển ngành công thương trong quý II/2020 và thời gian tiếp theo như sau:
Mục tiêu chủ yếu
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý II năm 2020 dự kiến tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Công nghiệp khai khoáng dự kiến tăng 0,5%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 1,5%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10%.
Tỷ lệ số thôn, buôn có lưới điện quốc gia ước đạt 99,5%; Tỷ lệ số hộ sử dụng điện ước đạt 98,5%.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ quý II/2020 ước đạt 4.053 tỷ đồng, cộng dồn đến quý II ước đạt 7.970 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 44,99% kế hoạch (Kế hoạch 17.715 tỷ đồng).
Kim ngạch xuất khẩu quý II/2020 ước đạt 277,2 triệu USD, cộng dồn đến quý II ước đạt 510,2 triệu USD, giảm 2,63% so với cùng kỳ, đạt 43,6% so với kế hoạch (kế hoạch 1.170 triệu USD); Kim ngạch nhập khẩu quý II/2020 ước đạt 76,6 triệu USD, cộng dồn đến quý II ước đạt 160,6 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch (kế hoạch 220 triệu USD).
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 19/12/2019 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 43/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh; Chương trình hành động số 50/Ctr-UBND, ngày 21/01/2020 của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2020; nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành công thương năm 2020.
Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và Kế hoạch hành động số 47/KH-UBND ngày 21/01/2020 của UBND tỉnh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, trong triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng chậm trễ về tiến độ, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 của Sở Công Thương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc hành chính; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá các dự án năng lượng sạch trên địa bàn, từ đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh cho phù hợp, tránh tình trạng bổ sung cục bộ làm phà vỡ các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đúng tiến độ được UBND tỉnh giao (6/2020).
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác khuyến công năm 2020 để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường như.
Triển khai xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố và thực hiện việc kết nối các sản phẩm chủ lực của tỉnh vào hệ thống các cửa hàng OCOP trên cả nước.
Triến khai thực hiện các đề án xúc tiến thương mại năm 2020 đã được duyệt nhằm tìm kiếm, phát triển thị trường cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngay sau khi hết dịch Covid – 19 như: Tổ chức đoàn tham gia Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020; Tổ chức Đoàn tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thành Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2020; Tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tại Đắk Nông; Tổ chức Đoàn tham dự Hội chợ khu vực Miền Bắc; Tổ chức Đoàn tham dự Hội chợ khu vực miền Tây Nam Bộ; Phóng sự giới thiệu doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Tổ chức Đoàn tham dự Hội chợ khu vực Miền Trung.
Tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tăng cường quảng bá, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid -19 gây ra.
Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh tại các doanh nghiệp và những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh do dịch bệnh Covid - 19 gây ra để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì ổn định hoạt động sản xuất.
Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu trị trường trong giai đoạn thị trường bi tác động bởi bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid -19 (nCoV).
Phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện và chủ đầu tư các dự án: Nhà máy sản xuất gỗ công nghệ cao Hansol Home Deco (ván dán veneer) của Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Bison; Nhà máy chế biến trái cây đông lạnh của Công ty TNHH An Vạn Phúc LD; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Bơ công nghệ cao Việt Nam; Xưởng tái chế cao su đã qua sử dụng của Công ty TNHH dầu FO Tây Nguyên; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần VBM Việt Nam tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để nhà máy sớm đi vào hoạt động trong năm 2020; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy điện phân Nhôm Đăk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng.
Đôn đốc các đơn vị quản lý, kinh doanh điện nông thôn có kế hoạch đầu tư lưới điện nông thôn đến năm 2020 đáp ứng được Tiêu chí số 4 về điện nông thôn theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Quyết định số 10826/QĐ-BCT ngày 08/10/2015.
Phối hợp cùng các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác thu hút vào phát triển hạ tầng thương mại, công nghiệp trong bối cảnh thành phố Gia Nghĩa mới được thành lập góp phần đạt chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Tập trung phối hợp giữa các ngành và địa phương thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực khai thác quặng bauxit để đảm bảo đủ nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy alumin Nhân Cơ trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vấn đề về nguồn nguyên liệu để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phát triển nguyên liệu nhằm đảm bảo cho phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Thường xuyên nắm tình hình cung cầu và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân để tham mưu UBND tỉnh các giải pháp điều tiết khi cần thiết nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Triển khai các đề án khuyên công và xúc tiến thương mại quốc gia năm 2020 của tỉnh Đắk Nông được Bộ Công Thương phê duyệt./.