Kết quả sau 5 năm thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (23/12/2019)

Ảnh: Hội nghị Thông tin tuyên truyền về các sự kiện Hội nhập Quốc tế nổi bật năm 2019

       Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Tỉnh Đắk Nông đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể:

      1. Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục và triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP

     Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP, ngày 10/7/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Theo đó, ngày 25/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 518/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP. Mục tiêu chính của Kế hoạch hành động là thực hiện thắng lợi các mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế theo chiều sâu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập; Quyết định số 1971/QĐ-UBND ngày 26/12/2014  về việc thành lập Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế tỉnh Đăk Nông; phê duyệt Phương án Kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành thuộc UBND tỉnh Đắk Nông tại Quyết định số 689/QĐ-UBND ngày 04/5/2016, trong đó giải thể Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Đắk Nông; Ban hành Kế hoạch 713/KH-UBND ngày 22/12/2017 về việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 28/02/2019 về triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

     - Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện bám sát các chính sách, pháp luật về hội nhập quốc tế, chỉ đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Đăk Nông rà soát các văn bản QPPL liên quan, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế như Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 07/01/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý Thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Đăk Nông; Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 10/6/2013 của UBND tỉnh về việc Quy định quản lý cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài và việc quản lý, sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

    - Hàng năm UBND tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn về cập nhật kiến thức hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới dành cho lãnh đạo tỉnh và cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc học tập, tìm hiểu và thực hiện chủ trương, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước giúp cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các chủ đầu tư và người dân trên địa bàn có thêm nhận thức và chủ động tiếp cận hội nhập Quốc tế theo xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ trong phạm vi cả nước và trên địa bàn như hiện nay.

      2. Về xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách của tỉnh về tăng cường, thúc đẩy hoạt động hội nhập quốc tế trên địa bàn

     Nhằm tăng cường hoạt động hội nhập Quốc tế, trong thời gian qua tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và ban hành một số Văn bản liên quan, như: Quyết định 11/2011 ngày 15/2/2011 về việc ban hành chính sách khuyến khích đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, môi trường; Quyết định 01/2013/QĐ-UBND ngày 2/1/2013 về việc ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Nông đến năm 2020; Quyết định số 1594/QĐ-UBND ngày 9/10/2013 về việc phê duyệt Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định 02/2014 ngày 10/01/2014 về việc quy định việc thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh; Quyết định 06/2015/QĐ-UBND ngày 7/8/2015 về việc ban hành Quy định áp dụng một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với nhà đầu tư vào Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 1635/QĐ-UBND ngày 16/10/2018 về ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Hiện nay, đang UBND đang trình HĐND tỉnh xem xét sử đổi, bổ sung Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh cho phù hợp với thực tế.

    - Để bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh luôn phù hợp
với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tự kiểm tra 25 Quyết định quy phạm pháp luật ngay sau khi UBND tỉnh ban hành trong 09 tháng đầu năm 2019 (về cơ bản là phù hợp với pháp luật hiện hành); Phối hợp rà soát những vướng mắc, bất cập và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013; Phối hợp rà soát các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với Luật Cạnh tranh; Phối hợp kiểm tra, rà soát các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải; rà soát văn bản liên quan đến chính sách xã hội…

     - Đã cập nhật 36 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 17 Nghị quyết của HĐND tỉnh; 26 Quyết định của UBND tỉnh, bao gồm cả các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh khóa III và các Quyết định của UBND tỉnh ban hành vào tháng 12/2018 chuyển sang) lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu.

     - Tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã rà soát, tổng hợp công khai thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính theo quy định để doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện và kiểm soát. Công khai các quy hoạch ngành, quy hoạch kinh tế - xã hội... đến nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp dễ tiếp cận và tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh; Tăng cường đối thoại, xử lý kịp thời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc và khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, công khai kết quả giải quyết trên Trang thông tin điện tử của từng cơ quan, đơn vị và tổng hợp đăng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

     - Để nâng cao hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã trong việc thu hút, đa dạng hóa các hình thức đầu tư (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, trong nước), đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng phát triển trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: chế biến cà phê thành phẩm (cà phê bột, cà phê hòa tan), dầu và sữa đậu nành, khoai lang Nhật, tinh bột ngô, hoa quả đóng chai, đóng hộp, tiêu xuất khẩu; chế biến thức ăn gia súc; sản xuất phân bón hóa học, phân vi sinh; cơ khí chế tạo, sửa chữa thiết bị công-nông nghiệp; dự án trồng măng tây, cam không hạt; xây dựng nhà kính, nhà lưới để sản xuất rau quả; sản xuất giống cây trồng vật nuôi; thành lập cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy trình khép kính từ chăn nuôi đến giết mổ chế biến, bảo quản thịt gia súc, gia cầm… Ngoài ra, còn kêu gọi đầu tư vào công nghiệp cơ khí phục vụ ngành công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất hóa chất, sản xuất bao bì; đầu tư xây dựng khu thương mại, trường học các cấp, các khu du lịch, khu liên hợp thể dục thể thao, bệnh viện tư…

      UBND tỉnh đã tiến hành rà soát tất cả các quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể và chỉ đạo xử lý phù hợp với Luật Quy hoạch, ban hành Quyết định số 2214/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc bãi bỏ, bãi bỏ một phần đối với các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Trong đó, bãi bỏ 32 quy hoạch ngành, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và bãi bỏ một phần các nội dung liên quan quy định số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể và tiếp tục thực hiện các nội dung về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, định hướng kết cấu hạ tầng và các nhiệm vụ, giải pháp đối với 16 quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đồng thời đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cổng thông tin điện tử của tỉnh để doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các thông tin quy hoạch.

      3. Thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các hoạt động đầu tư

      Thực hiện minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”; giải quyết kịp thời những vướng mắc về thủ tục hành chính đối với các giao dịch của tổ chức và cá nhân có yếu tố nước ngoài, trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư và xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

      Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính ngành Công Thương để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, tạo sự công khai, minh bạch hơn trong quá trình xử lý các hồ sơ, thủ tục hành chính, bên cạnh đó giảm thiểu thời gian và chi phí hành chính cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân liên quan.

     Tỉnh Đắk Nông đã tổ chức rà soát và công bố các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó có thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO).

     - Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc:

      + Với 02 nhiệm vụ chính là: Đơn giản hoá thủ tục hành chính và thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

      + Tiếp tục duy trì thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 19/19 sở, ban, ngành, đã triển khai áp dụng cơ chế một cửa, đạt 100%; có 8/8 đơn vị cấp huyện đã triển khai áp dụng cơ chế một cửa điện tử, đạt 100% so với kế hoạch giai đoạn đề ra, việc thực hiện một cửa điện tử tại cấp huyện được thực hiện với trang thiết bị làm việc hiện đại, phần mềm một cửa điện tử được xác lập với quy trình, thời gian và trách nhiệm giải quyết các TTHC được  phân công cụ thể, rõ ràng.

     + Ngày 07/01/2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND về Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 12 Quyết định công bố Danh mục TTHC với tổng số 133 TTHC. Ban hành các Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các cấp trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Cấp tỉnh: 1.013 TTHC; cấp huyện: 113 TTHC; cấp xã: 78 TTHC.

    + Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh: cùng với 26 trang thông tin điện tử độc lập của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh được quản lý và vận hành hoạt động ổn định, cung cấp thông tin theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

   - Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách: Để tổ chức và thực hiện việc rà soát các văn bản của địa phương có liên quan đến các yêu cầu phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng đã tiến hành thẩm định, góp ý, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhằm loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với cam kết WTO; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho mọi chủ thể tham gia thị trường.

    - Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh được Văn phòng UBND tỉnh triển khai cho toàn tỉnh (20/20 sở ngành và Trung tâm Hành chính công của tỉnh; 08/08 UBND huyện, thị xã; 71/71 xã, phường, thị trấn). Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh cung cấp 2.294 dịch vụ công mức 1,2 (trong đó: cấp tỉnh 1.829, cấp huyện 330, cấp xã 135).

    - Đa số doanh nghiệp, tổ chức và người dân chưa sử dụng chữ ký số nên số hồ sơ nộp trực tuyến còn hạn chế, tính đến thời điểm hiện tại, có 25 dịch vụ công mức 3 và 12 dịch vụ công mức 4 có phát sinh hồ sơ, tổng số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn tỉnh là 7.421.

     4. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với yêu cầu hội nhâp kinh tế

     a) Đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh

    Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/04/2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ - CP ngày 05/05/2014 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã rà soát chức năng, nhiệm vụ, đề xuất kiện toàn lại cơ cấu tổ chức, bộ máy cho phù hợp với quy định và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn để có cơ sở ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

     - Việc tổ chức sắp xếp kiện toàn, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện đảm bảo quy trình quy định của nhà nước. Các cơ quan, đơn vị sau khi thành lập, kiện toàn đều ban hành quy chế làm việc phù hợp với điều kiện làm việc của từng cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.

     - Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08/2004/NQ –CP, ngày 30/6/2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. UBND tỉnh Đăk Nông đã thực hiện phân cấp trên 06 lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ, gồm: Phân cấp quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước, phân cấp quản lý doanh nghiệp nhà nước, phân cấp quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công, phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức.

      - Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tạm dừng bổ nhiệm mới cán bộ từ cấp phó phòng huyện, thị, sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương, tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (20/20 Sở, Ban, ngành) cơ bản đã hoàn thành việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, do đó, tỉnh đã cho chủ trương tiếp tục bổ nhiệm mới công chức từ cấp phó trở lên đối với các đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết. Đối với UBND cấp huyện hiện đang tạm dừng thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ.

     - Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã nghiêm túc thực hiện các quy định về cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan hành chính bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

     - Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Chương trình số 30-CTr/TU ngày 22/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể: Đối với cấp tỉnh thực hiện Đề án hợp nhất Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; đối với cấp huyện thực hiện Đề án sáp nhập các bộ phận văn hóa, bộ phận thể thao, nhà văn hóa trên địa bàn cấp huyện thành một đầu mối. Đồng thời, thực hiện thẩm định các Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông nhiều cấp học.

     - Thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ; Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần...

         b) Đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý

        - Cổ phần hóa (CPH) Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối đối với Công ty Cà phê Đức Lập, Công ty TNHH MTV cà phê Thuận An và Công ty TNHH MTV Nam Nung.

        - Duy trì, phát triển và tái cơ cấu, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động sản xuất kinh doanh đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành.

        - Chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập có thu đối với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Măng.

      - Công tác giải thể (có 06 doanh nghiệp): Công ty TNHH MTV: Thuận Tân, lâm nghiệp Trường Xuân, lâm nghiệp Quảng Tín, lâm nông nghiệp Đức Lập, lâm nghiệp Quảng Đức, Gia Nghĩa.

       - Về duy trì, phát triển và tái cơ cấu, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Tổng doanh thu 06 tháng đầu năm 2019 đạt 101.558 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước 13.876 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế 228 triệu đồng (trong đó: Công ty TNHH MTV LN Đắk Wil âm 111 triệu đồng). Căn cứ vào Kế hoạch sản xuất kinh doanh được UBND tỉnh phê duyệt, nhìn chung hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Công ty còn rất thấp, nguyên nhân do các công ty chủ yếu hoạt động công ích (06/08 Công ty hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp với ngành nghề chính là thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và 01/08 Công ty thuộc lĩnh vực thủy lợi). Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện so với các năm trước.

      -  Đẩy mạnh sắp xếp, CPH doanh nghiệp nhà nước; bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển (có 04 doanh nghiệp):

     +  Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An (đã chuyển thành công ty cổ phần) và Công ty TNHH MTV Sách và thiết bị trường học (đang hoàn thiện thủ tục để chuyển thành công ty cổ phần): Đã thực hiện công tác bán cổ phần lần đầu ra công chúng, hiện đang hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán chi phí cổ phần hóa và chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định; công nhận tỷ lệ cổ phần của các nhà đầu tư nắm giữ.

    + Công ty Cà phê Đức Lập: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương chuyển đổi hình thức sở hữu từ CPH sang bán doanh nghiệp, hiện tại UBND tỉnh đang chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tổ chức thực hiện theo quy định.

    + Công ty TNHH MTV Nam Nung: Hiện tại đã công bố giá trị doanh nghiệp làm cơ sở để xây dựng phương án CPH, dự kiến hoàn thành công tác CPH trong  năm 2019.

    - Về duy trì, đổi mới Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước (có 08 doanh nghiệp): Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đắk Nông, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Đắk Wil, Nam Tây Nguyên, Đắk N’Tao, Đức Hòa và Quảng Sơn.

     - Công ty có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn (có 03 công ty): Công ty Cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đắk Nông; Công ty Cổ phần Quản lý, sửa chữa đường bộ Đắk Nông; Công ty Cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Đắk Nông, dự kiến trong năm 2019 hoàn thành việc thoái vốn đối với 03 Công ty.

      Nhìn chung, việc tổ chức, sắp xếp và kiện toàn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp đúng theo quy định của Chính phủ. Tổ chức bộ máy của các ngành, các cấp được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối và thực hiện chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã giảm đáng kể các nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hành chính các cấp. Biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp được bố trí theo yêu cầu phát triển của từng cơ quan, đơn vị, đúng đủ theo các định mức hiện hành của nhà nước và phân cấp quản lý của Chính phủ. Việc phân cấp quản lý đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ.

      5. Về thông tin, viễn thông, khoa học công nghệ

     - Ban hành nhiều văn bản quy định về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong hoạt động cơ quan nhà nước tạo môi trường pháp lý nhằm áp dụng các tiến bộ về thông tin trong chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước. Trung tâm Tích hợp Dữ liệu được đầu tư với giải pháp công nghệ tiên tiến nhất kết nối với 29 cơ quan hành chính, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động của tỉnh như: Cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, dịch vụ hành chính công, văn phòng điện tử, một cửa điện tử, hội nghị trực tuyến...

   - Hệ thống viễn thông ngày càng được củng cố, và sử dụng có hiệu quả, xây dựng và lắp đặt được 1.514,49 Km mạng truyền dẫn quang; xây dựng được 721 trạm thu phát sóng BTS, phủ sóng di động đến 100% trung tâm các huyện, thị và mở rộng thêm các vùng mới ở nông thôn, vùng biên giới, khắc phục các vùng lõm sóng, tăng dung lượng cuộc gọi đáp ứng được nhu cầu thông tin và truyền số liệu của tổ chức và cá nhân trước yêu cầu ngày càng cao của con người về thông tin và viễn thông.

     - Các hoạt động phát triển công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và đời sống tập trung vào giống cây trồng, vật nuôi mới, chế phẩm sinh học mới, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000, nhằm nâng cao số lượng đồng thời với chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu, nhưng bảo vệ được môi trường, khắc phục suy thoái môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

     - Hiện nay, Hệ thống dịch vụ công của tỉnh hoạt động tại địa chỉ http://motcua.daknong.gov.vn/. Hầu hết các tổ chức, cá nhân chưa sử dụng chữ ký số, hồ sơ chủ yếu được nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Do đó, việc kết hợp thanh toán điện tử đã triển khai nhưng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Để tiến đến phương thức thanh toán điện tử, hiện nay tỉnh đang triển khai việc cấp phát chữ ký số của cán bộ kế toán tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh để thực hiện giao dịch điện tử, tham gia dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước.

     - Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập trung đào tạo nguồn nhân lực những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

     - Hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí, truyền thông định hướng dư luận, giúp cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhận thức đúng đắn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tiếp tục triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020; hiện nay việc chuyển phát văn bản giữa cơ quan hành chính từ tỉnh tới xã được thực hiện trên hệ thống văn bản điện tử và chữ ký số. Tiếp tục triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục cấp mới, thay đổi nội dung và công bố thông tin cho doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

      6. Về hoạt động đối ngoại

     Thực hiện chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Tỉnh Đắk Nông thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực. Trong thời gian qua, tỉnh đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài trong khu vực và trên thế giới. Các hoạt động đối ngoại ngày càng phong phú, đa dạng, được triển khai ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và ở các địa phương.

    - Công tác phối hợp quản lý các hoạt động đối ngoại ngày càng thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của tỉnh, từ năm 2014 đến nay tỉnh Đắk Nông đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài đến thăm, làm việc, du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có đoàn công tác quan trọng như: Đại Sứ quán, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Đan Mạch, Thuỵ Sỹ, Pháp, Cu Ba, Úc, Thái Lan, Indonesia, Nga, Đoàn công tác cấp cao của tỉnh Attapeu, Cộng hòa DCND Lào; Đoàn công tác cấp cao của tỉnh Jeolla Nam – Hàn Quốc và các tập đoàn kinh tế - tài chính, khai khoáng của Úc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới…Bên cạnh việc đón tiếp các đoàn vào, tỉnh Đắk Nông cũng đã cử nhiều đoàn cán bộ, công chức đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, cũng như tham dự hội nghị, hội thảo và liên hoan quốc tế... theo đúng quy định hiện hành về xuất cảnh, nhập cảnh.

     - Tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Đoàn công tác của tỉnh đi làm việc, tiếp xúc với các cơ quan, đơn vị, đối tác nước ngoài: Tổng lãnh sự quán Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Indonesia tại thành phố Hồ Chính Minh để mời một số đoàn nghệ nhân của các nước Campuhchia, Lào và Indonesia tham gia các hoạt động tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018 tại tỉnh Đắk Nông; tham dự Hội nghị “Hội nhập quốc tế và phát triển bền vững” để xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài; Dự Hội nghị Mạng lưới Công viên địa chất Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 6 tại Indonesia, tiếp đón đoàn chuyên gia của UNESCO. Tham gia Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch về xây dựng "Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam" lần thứ 03 tại Lào, tổ chức nhiều chương trình tập huấn, kết nối phát triển du lịch.

    - Thông qua các cuộc làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo điều kiện cho tỉnh có cơ hội quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhằm động viên, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài hỗ trợ, tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển sản xuất, nâng cao dân trí, nâng cao năng lực xoá đói giảm nghèo và giải quyết tích cực các vấn đề xã hội trên địa bàn tỉnh.

    - Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với Campuchia. Tỉnh đã triển khai thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác với tỉnh Mondulkiri. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước bằng những hoạt động thiết thực, tỉnh Đắk Nông đã tiến hành ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Mondulkiri, giai đoạn 2010-2015. Sau 5 năm triển khai và thực hiện, Thỏa thuận hợp tác đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt, lĩnh vực. Đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trật tự biên giới. Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác giữa hai tỉnh, ngày 27/5/2015 tại Thành phố Senmonorom, tỉnh Mondulkiri hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri đã thống nhất tiếp tục ký kết Chương trình hợp tác phát triển 5 năm tiếp theo, giai đoạn 2016 – 2020 với nhiều nội dung quan trọng có tính thiết thực và toàn diện hơn.

    - Thực hiện đường lối đối ngoại vì mục đích hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển, công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh những năm qua đã được đẩy mạnh và đã thực sự góp phần mở rộng các mối quan hệ hợp tác hợp tác giữa tỉnh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đặc biệt là với tỉnh Mondulkiri, Campuchia.

     7. Công tác vận động, thu hút đầu tư nước ngoài

     a) Hoạt động xúc tiến đầu tư:

      Tỉnh đã tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung vào các hoạt động như: Biên soạn và phát hành các ấn phẩm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông với bạn bè quốc tế, với các nhà đầu tư nước ngoài; tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại nước ngoài; tham gia Diễn đàn xúc tiến đầu tư khu vực; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại với các tỉnh; tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức của tỉnh về công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), NGO, FDI.

    - Chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và thông qua tham tán thương mại Việt Nam tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu giới thiệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh. Trực tiếp cung cấp tài liệu giới thiệu về tỉnh cho Văn phòng thương mại Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).

   - Tiếp tục đàm phán, ký hiệp định vay vốn Quỹ Ả rập Xê út đối với Dự án trường Cao đẳng Cộng đồng, dự án phát triển độ thị Gia Nghĩa (nguồn vốn ADB), dự án thích ứng với biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên (nguồn vốn AFD), đề xuất đầu tư cho đô thị Gia Nghĩa.

   - Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như lĩnh vực sản xuất sản phẩm Alumin-Nhôm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hợp tác kinh doanh trong việc gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, hợp tác xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm tiềm năng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông như cao su, cà phê, tiêu, điều, bơ, sầu riêng, xoài, mắc ca…; Năm 2018, 2019, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, Chương trình Đắk Nông mùa Bơ chín, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, thông qua các hoạt động này các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã có cơ hội tìm hiểu và cam kết hỗ trợ, hợp tác đầu tư để phát triển chuỗi sản phẩm thế mạnh và tiềm năng của tỉnh, đặc biệt là tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Tại hội nghị, đại diện Lãnh đạo tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 dự án với tổng mức vốn đầu tư đăng ký 3.000 tỷ đồng; cùng các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ 25 dự án, với tổng số vốn dự kiến gần 50.000 tỷ đồng, gồm: Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh, Công ty Cổ phần Capella Quảng Nam; Tổ chức 02 Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, thu hút 330 đại biểu tham dự.

      b) Kết quả tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài:

      Đầu tư nước ngoài đã đóng góp một phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cụ thể:

     - Nguồn vốn FDI, ODA:

     Là tỉnh miền núi với nhiều khó khăn và ít lợi thế, song để có nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển, tỉnh đã từng bước quan tâm đến công tác thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và đã đạt được những kết quả bước đầu.

    Trong năm 2018 tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 01 dự án  FDI mới, với dự án Nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn – 44,4MWp tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Hiện nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư đăng ký là 61,747 triệu USD; cụ thể là: Công ty TNHH Greenfarm Asia (Thái Lan) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo; Công ty TNHH Olam Việt Nam (Singapore):  thu mua, xuất khẩu cà phê, tiêu, điều; Công ty TNHH Nông nghiệp MJ Việt Nam (Hàn Quốc): sản xuất thức ăn gia súc; Công ty TNHH tinh bột Gensun Đắk Nông (liên doanh với Trung Quốc): sản xuất tinh bột và sản phẩm từ tinh bột; Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Pagoda Việt Nam (Malaysia): thu mua, xuất khẩu nông sản; Công ty TNHH Chế biến trà Junchow Đài Loan (Đài Loan): trồng và chế biến trà xuất khẩu; Chi nhánh Đắk Nông – Công ty TNHH Neumann Gruppe Việt Nam (Đức): thu mua, chế biến, bảo quản và xuất khẩu cà phê và Dự án điện năng lượng mặt trời liên doanh với Hàn Quốc.

      Để tận dụng và phát huy lợi thế của tỉnh, tỉnh Đắk Nông đang chú trọng thu hút thêm các dự án đầu tư chế biến nông sản, xây dựng vùng nông nghiệp giá trị cao từ các nhà đầu tư đến từ các nước có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

    -  Nguồn vốn phi chính phủ nước ngoài (NGO):

     Trong thời gian qua, tỉnh đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động  tiếp xúc với các tổ chức và cá nhân phi chính phủ nước ngoài, giới thiệu nhu cầu đầu tư để vận động nguồn vốn viện trợ cho địa phương. Công tác vận động, tiếp nhận nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả. Mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ngày càng được mở rộng. Số lượng dự án và giá trị tiếp nhận viện trợ ngày càng tăng.

      Trong giai đoạn 2013-2015 tỉnh tiếp nhận 12 khoản viện trợ với tổng tổng số vốn là 2.580.435 USD; trong đó một số khoản viện trợ của các tổ chức phi chính phủ góp phần cải thiện năng lực, hỗ trợ cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như Tổ chức Oxfam Great Britain (OGB); Tổ chức Oxfam Hồng Kông; Tổ chức ActionAid Việt Nam; Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam (World Vision); Tổ chức Alieve & Thrive – A&T do quỹ Bill và Melinda Gates; Tổ chức Fred Hollows Foundation - FHF do ngân hàng Standard Chartered tài trợ.

       8. Đầu tư phát triển khu công nghiệp.

      Tính đến tháng 11/2019, tỉnh Đắk Nông đã thành lập được 02 khu công nghiệp: khu công nghiệp Tâm Thắng, diện tích 179,19 ha và khu công nghiệp Nhân Cơ, diện tích 148 ha. Trong năm 2019, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung khu công nghiệp Nhân Cơ 2, diện tích 400 ha vào Quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020 (Tờ trình số 4335/TTr-UBND ngày 10/9/2019); có 03 cụm công nghiệp đang đầu tư và kêu gọi đầu tư: Thuận An, Krông Nô, Đắk Ha, thu hồi chủ trương đầu tư đối với cụm công nghiệp Quảng Tâm, huyện Tuy Đứ

      9. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa

      Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đã tạo được mức tăng trưởng khá:

       a) Xuất khẩu:

       Hoạt động xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, quy mô và tốc độ tăng trưởng đã được mở rộng và tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016-2020, dự kiến đạt 5.132 triệu USD, đạt 118,77% kế hoạch đề ra.

      Quy mô các mặt hàng xuất khẩu đã được tăng lên, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ván MDF... và trong kỳ có thêm sản phẩm chủ lực mới xuất khẩu đó là sản phẩm alumin; thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Ausstralia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philipin, Nhật Bản... Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông…

        Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, trong đó có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (Công ty Olam), tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 20%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân.

         b) Nhập khẩu:

         Nhập khẩu đã phục vụ tốt cho nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất. Qua đó, cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

        Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 dự kiến thực hiện 1.150 triệu USD, đạt 172,92% kế hoạch đề ra. Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu ở mặt hàng điều nguyên liệu do giá nhập khẩu tăng. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: điều nguyên liệu, tiêu đen, gỗ, máy móc thiết bị.

 

Q.M-QLTM

Lượt xem:  10 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web