Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Năm 1955, Bộ Công Thương tách ra thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp. Năm 1958 Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Năm 1960 Bộ Công nghiệp tách thành Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1969, Bộ Công nghiệp nặng tách thành các Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Điện và Than và Tổng cục Hóa chất. Năm 1981, Bộ Điện và Than tách thành Bộ Mỏ và Than và Bộ Điện lực, đến năm 1987 lại nhập thành Bộ Năng lượng. Năm 1988, Bộ Ngoại thương hợp nhất với một bộ phận của Ủy ban hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Căm pu chia thành Bộ Kinh tế đối ngoại. Năm 1990 Bộ Công nghiệp nặng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Mỏ và Địa chất, Tổng cục Hoá chất, Tổng cục Dầu khí, Tổng cục Điện tử và Tin học. Năm 1990 Bộ Thương nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội Thương, Bộ Vật tư và Bộ Kinh tế đối ngoại và năm 1991 đổi tên thành Bộ Thương mại và Du lịch. Đến năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch được đổi tên thành Bộ Thương mại. Năm 1995, Bộ Công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng.
Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội Khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay.
Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam”. Như vậy đến nay, Ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 60 năm hình thành và phát triển.
Trải qua 70 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và lao động Ngành Công Thương đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”...., cán bộ, công nhân viên Ngành Công Thương Việt Nam vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: Xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “ Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”; các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường; ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng đến phục vụ từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân viên của ngành đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong khi làm nhiệm vụ; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những chiến thắng vĩ đại, thống nhất đất nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, đã có nhiều chuyển biến, nhận thức mới như: phân định rõ công tác quản lý nhà nước với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đặc biệt là việc tăng cường sự chỉ đạo của Bộ để nâng cao hiệu quả trong xây dựng các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và các giải pháp lớn để phát triển các ngành năng lượng, khai thác chế biến khoáng sản, công nghiệp mũi nhọn, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, ổn định và phát triển thị trường trong nước…Làm tốt công tác đổi mới và sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ gắn với công tác cổ phần hoá và tổng kết việc thí điểm mô hình Tập đoàn kinh tế của Nhà nước nhằm từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện, Bộ đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật quan trọng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
Công tác cải cách hành chính đã được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc chú trọng cải cách về thể chế, Bộ đã tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, giảm quan liêu, phiền hà tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp và địa phương đồng tình ủng hộ; tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương; đồng thời xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, từng bước tiêu chuẩn hoá quản lý theo ISO gắn với hiện đại hoá công sở…giúp các đơn vị nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.
Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ được đầu tư đúng mức. Đội ngũ trí thức trong Ngành Công Thương đã lao động sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Nhiều đề tài khoa học được ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, phát huy nội lực và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được sản xuất trong nước. Nhiều tập thể và cá nhân đã giành được các giải thương.
Thực hiện Nghị quyết số 22/20003/QH11 Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XI, kỳ họp thứ 4, thông qua ngày 26/12/2003, về việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk, chia tỉnh Đắk Lắk thành 2 tỉnh là tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, ngày 01/01/2004 Sở Công nghiệp và Sở Thương mại - du lịch tỉnh Đắk Nông được thành lập tại Quyết định số 06/2004/QĐ-UB và Quyết định số 05/2004/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Đắk Nông và điều động, bổ nhiệm Ban lãnh đạo của 2 Sở; đối với Ban lãnh đạo Sở Công nghiệp: UBND tỉnh đã điều động, bổ nhiệm ông Biên Văn Minh, nguyên Phó giám Sở Công nghiệp Đắk Lắk giữ chức vụ Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Đắk Nông và ông Ngô Thế Tùng, nguyên Trưởng phòng Quản lý điện năng Sở Công nghiệp Đắk Lắk giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Đắk Nông; Ban lãnh đạo Sở Thương mại - du lịch, UBND tỉnh đã điều động và bổ nhiệm ông Hà Trung Ký, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại & du lịch tỉnh Đắk Lắk giữ chức vụ Giám đốc Sở Thương mại & du lịch tỉnh Đắk Nông; Ông Nguyễn Tiến Đoàn, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở thương mại & du lịch tỉnh Đắk Nông và bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Krông Buk tỉnh Đắk Lắk, giữ chức vụ giữ chức vụ Phó giám đốc Sở thương mại & du lịch tỉnh Đắk Nông.
Để giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra của một tỉnh mới thành lập, Sở Công nghiệp và Sở Thương mại & du lịch Đắk Nông là những đơn vị có mặt ngay từ những ngày đầu sau khi chia tách tỉnh. Buổi đầu tổng số CBCC của mỗi Sở chỉ có 9 người, chủ yếu là cán bộ của Sở Công nghiệp và Sở Thương mại- Du lịch Đắk Lắk được điều động đến công tác tại tỉnh Đắk Nông; tài sản, trang thiết bị của hai Sở khi mới thành lập không có gì, ngoài vài chiếc máy vi tính, bàn ghế cũ được chia từ Đắk Lắk xuống; tài sản có giá trị lớn nhất là mỗi Sở được phân chia 01chiếc xe Mítsusbisi 7 chỗ ngồi; trụ sở làm việc ban đầu của hai Sở phải thuê mượn tạm bợ, chật hẹp và điều kiện làm việc sinh hoạt của CBCCVC rất khó khăn, thiếu thốn; đầu năm 2007 trụ sở làm việc của Sở Công nghiệp mới xây dựng xong và Sở Công nghiệp đã chuyển ra trụ sở mới làm việc, theo đó đầu năm 2008 Sở Thương mại và du lịch cũng chuyển ra trụ sở mới làm việc cho đến ngày hợp nhất.
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 27 tháng 3 năm 2008 Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-UBND, về việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời ban hành Quyết định số 429/ QĐ-UBND về việc hợp nhất Sở Công Nghiệp với Sở Thương mại và Du lịch thành Sở Công Thương và Sở Công Thương bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2008.
Theo đó, UBND tỉnh đã điều động và bổ nhiệm ông Biện Văn Minh, nguyên giám đốc Sở Công nghiệp, giữ chức vụ Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, ông Ngô Thế Tùng, nguyên Phó giám đốc Sở Công nghiệp, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Công Thương, ông Nguyễn Tuấn Phúc, nguyên phó giám đốc Sở Công nghiệp, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Công thương và ông Nguyễn Tiến Đoàn, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Công thương.
Theo tinh thần trên, ngày 31 tháng 3 năm 2008 Giám đốc Sở Công Thương đã triệu tập phiên họp đầu tiên toàn thể CBCCVC của Sở mới để quán triệt và thông qua các Quyết định nêu trên. Đồng thời, triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật .
Để triển khai nhanh việc sắp xếp bộ máy, tổ chức - nhân sự của Sở Công Thương và đi vào hoạt động theo đúng thời gian quy định, ngày 08 tháng 4 năm 2008 Sở Nội vụ đã có Quyết định số 112/QĐ-SNV, về việc điều động công tác công chức, viên chức của 02 Sở (Sở Công nghiệp và Sở Thương mại Du lịch) về Sở Công Thương. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời gian chờ hướng dẫn của Liên Bộ, Bộ Công Thương - Bộ Nội Vụ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương thực hiện hoàn tất các công việc hợp nhất theo nguyên trạng; hoàn thiện mọi công việc bàn giao theo quy định và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 15/4/2008, với mục tiêu không để ách tắc công việc mà phải tiến hành liên tục, bảo đảm giải quyết tốt mọi quan hệ trong giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân với cơ quan. Do đó, bộ máy Sở Công Thương được vận hành ngay từ những ngày đầu hợp nhất.
Ngày 28 tháng 5 năm 2008 Liên bộ Công Thương - Nội vụ đã ban hành Thông tư số 07/2008/TTLT-BCT-BNV, về viêc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó, ngày 17 tháng 7 năm 2008 Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 936/QĐ-UBND, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông. Theo đó, ngày 15/9/2008 Sở Công Thương đã thành lập các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở theo cơ cấu tổ chức mới tại Quyết định số 599/QĐ-SCT; đồng thời, tiến hành bố trí sắp xếp tổ chức nhân sự; bổ nhiệm các chức danh thuộc thẩm quyền theo cơ cấu tổ chức mới; ban hành quy chế làm việc của Sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng thuộc Sở và đi vào hoạt động theo cơ cấu tổ chức mới từ ngày 01/10/2008.
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XII, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1877/QĐ-UBND ngày 22/11/2018 về việc phê duyệt Đề án đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Sở Công Thương theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, Sở Công Thương đã kiện toàn theo cơ cấu tổ chức mới gồm: Ban giám đốc (01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc), 05 phòng, 01 đơn vị và đi vào hoạt động ổn định cho đến nay.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Công Thương Việt Nam trong không khí cả nước đang phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã đề ra;, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành Công Thương tỉnh Đắk Nông quyết tâm thi đua lập nhiều thành tích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.