Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Công Thương Đắk Nông trong năm 2020 (30/12/2020)
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một nhiệm vụ quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Việc tuyên truyền PBGDPL là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng gắn liền hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân, vì vậy trong thời gian qua cấp ủy đảng, lãnh đạo Sở đã quan tâm, chỉ đạo từng bước đưa công tác PBGDPL đi vào nề nếp, có hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý của Sở.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Quyết định số 3900/QĐ-BCT ngày 17/01/2020 của Bộ Công Thương về Ban hành kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2020 (Kế hoạch 06/KH-SCT ngày 31/01/2020 của Sở Công Thương về việc ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực công thương năm 2020), trong đó phân công rõ trách nhiệm và thời hạn cho từng bộ phận để triển khai thực hiện việc tuyên truyền với các nội dung phù hợp, nội dung của kế hoạch chú trọng đến những văn bản quy phạm pháp luật mới và những văn bản có tính chất thường xuyên trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ. Ngoài ra, trong năm 2020, bám sát các chỉ đạo của UBND tỉnh và chức năng nhiệm vụ của ngành, Sở đã ban hành nhiều văn bản nhằm mục đích thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức của Sở và các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân khác có liên quan,

Một số kết quả đạt trong năm 2020:

 Sở Công Thương luôn quan tâm công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân; coi trọng công tác xây dựng Kế hoạch tuyên truyền hàng năm gắn liền với những sự kiện chính trị của địa phương, đất nước; những văn bản Luật được bổ sung, sửa đổi trong kỳ để có kế hoạch cụ thể. Việc quán triệt, tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ; Xây dựng các chuyên mục thông tin pháp luật, đăng tải, giới thiệu các VBQPPL trên Bản tin Công Thương, Trang thông tin điện tử của Sở; Lồng ghép việc phổ biến thông qua sinh hoạt của cơ quan, tổ chức đoàn thể; …cụ thể:

 - Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hội nghị, cuộc họp, tập huấn: Trong năm 2020, Sở Công Thương tổ chức được: 07 Hội nghị/Hội thảo/lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật hoặc các nội dung có liên quan đến pháp luật, với 362 lượt người tham dự, nội dung chủ yếu bao gồm các quy định về kinh doanh xăng dầu, gas, vật liệu nổ công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động bán hàng đa cấp, các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật, với tổng kinh phí thực hiện 422 triệu đồng.

- Tuyên truyền phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Tuyên truyền qua tin, bài viết trên Trang thông tin điện  tử của Sở, số lượng: 404 tin, bài. Phối hợp Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông xây dựng và phát sóng: 01 phóng sự tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 01 Phóng sự tuyên truyền về xây dựng chợ thí điểm bảo đảm An toàn thực phẩm; 01 Phóng sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; 01 phóng sự tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa.

- Tuyên truyền thông qua băng rôn, banner, tờ rơi, tờ gấp: Ngoài việc tuyên truyền các sự kiện quan trọng của đất nước, năm 2020 Sở Công Thương đã triển khai thiết kế, in ấn 8.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa; 7.500 tờ rơi tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiểu quả; 01 băng rôn về ngày pháp luật Việt Nam; 01 băng rôn về “ Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam”; 350 phướn dọc và 50 băng rôn tuyền truyền pháp luật về công tác bảo vệ người tiêu dùng; phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh thực hiện mỗi tháng 02 tiểu mục phát thanh và 02 tiểu mục truyền hình về “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng với việc tổ chức tập huấn, giới thiệu, phổ biến và bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói trên, Sở Công Thương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến và vận động trực tiếp cho các doanh nghiệp và các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất kinh doanh chấp hàng tốt các quy định về lĩnh vực môi trường ngành công thương, an toàn vệ sinh thực phẩm, vật liệu nổ công nghiệp, không thực hiện và không tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như các hành vi gian lận thương mại. Bên cạnh đó, trong quá trình Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thẩm định, cấp phép,… Sở đã tiếp nhận các câu hỏi từ phía người dân và doanh nghiệp, sau khi được tiếp nhận, Sở Công Thương đã chủ động giải đáp trực tiếp kịp thời, đáp ứng yêu cầu nắm bắt quy định pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, qua đó đã giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao khả năng hiểu biết, thực thi pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực thi, áp dụng pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác PBGDPL trong thời gian tới, Sở Công Thương cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.

- Bám sát Chương trình, Đề án, Kế hoạch về công tác PBGDPL của Chính phủ, Bộ Tư pháp và của UBND tỉnh và nhiệm vụ chính trị của cơ quan,  ban hành, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm. Tổ chức quán triệt kịp thời đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.

- Đổi mới phương pháp, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng tài liệu tập huấn, phổ biến pháp luật.

- Thường xuyên rà soát và kiện toàn báo cáo viên pháp luật đảm bảo đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, chất lượng.

- Xây dựng, quản lý và khai thác hiệu quả Tủ sách pháp luật của cơ quan, thực hiện đa dạng hóa các đầu sách để phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức./.

                                                                                              

 

T.V.N-TTr

Lượt xem:  80 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 11 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web