Phát huy hiệu quả hoạt động thương mại
Theo Sở Công Thương Đắk Nông, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Công Thương đã triển khai các chương trình, kế hoạch giao thương trong nước, nước ngoài. Trong đó đáng chú ý là việc thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020; kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn đến năm 2020; Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông…
Trước những bối cảnh và yêu cầu mới về phát triển kinh tế xã hội ngày càng nhanh, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được đánh giá là tiếp tục phát triển, phân phối lưu thông thông suốt, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, bên cạnh hệ thống chợ, cửa hàng tiện lợi; hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại được hình thành, góp phần tích cực trong việc cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Hàng hóa dồi dào tại các kênh phân phối
Trong 4 tháng đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn đạt 5.066,35 tỷ đồng, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian giãn cách xã hội, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì tương đối ổn định. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm… được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo cung ứng ra thị trường đáp ứng nhu cầu của người dân, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá quá mức gây bất ổn thị trường.
Cùng với thị trường trong nước, hoạt động xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, thị trường xuất khẩu tiếp tục duy trì và mở rộng, đến nay đã xuất khẩu đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên cơ bản phát huy được những mặt hàng chủ lực thuộc thế mạnh của tỉnh như cà phê, tiêu, hạt điều, alumin... Nhập khẩu về cơ bản đã phục vụ tốt cho nhu cầu về nguyên liệu, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị cho phát triển sản xuất, xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa.
Không chỉ vậy, ngành cũng đã thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại bằng việc đã kịp thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, nước ngoài, xây dựng website... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tổ chức và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Kết nối cung cầu nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Coopmart...
Đón đầu cơ hội từ các FTA
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và đang hội nhập sâu rộng thế giới bằng việc ký kết nhiều hiệp định quan trọng. Đây là cơ hội, cũng đồng thời là thách thức lớn của tỉnh cũng như nước nhà nếu không chuẩn bị tốt những nền tảng cần có. Trong đó phải, hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh, kiểm dịch thực vật khắt khe có thể là rào cản cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng.
Nông sản Đắk Nông có cơ hội gia tăng xuất khẩu nhờ các FTA
Để thương mại, dịch vụ, nông sản chế biến của Đắk Nông xuất khẩu bền vững, trước hết phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chứng nhận xuất xứ theo quy định. Vì vậy, Sở Công Thương Đắk Nông đã và đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Thực hiện Kế hoạch xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho nông sản; chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); phối hợp thực hiện tốt các đề án, chương trình, thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chương trình phát triển kênh sản xuất, phân phối tiêu thụ nông sản theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)...
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng website, sàn giao dịch thương mại điện tử; tổ chức hội nghị, hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp các sự kiện nổi bật về hội nhập kinh tế quốc tế để doanh nghiệp nắm bắt thời cơ và nhận diện những khó khăn, thách thức, nhằm hạn chế những rủi ro để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa một cách bền vững.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ tối đa cho những dự án phát triển Alumin, điện phân nhôm và các sản phẩm từ nhôm, tạo điều kiện để Nhà máy alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động ổn định. Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu; ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ phấn đấu giai đoạn 2021-2025 đạt 107.530 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 9,99%/năm. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 6.208 triệu USD, tăng trưởng bình quân 1,11%/năm. Kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 1.225 triệu USD, tăng trưởng bình quận 5,25%/năm.
Vì vậy, Sở sẽ theo dõi chặt chẽ các dự án đầu tư và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến vào việc giải quyết các thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN, CCN gắn với việc thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được đầu tư. Đề cao tiêu chí đánh giá, phân tích những tiềm năng lợi thế, xu hướng phát triển của tỉnh để xác định được định hướng cụ thể các dự án khuyến khích, ưu tiên, thời gian, địa điểm cụ thể kêu gọi dự án đầu tư...
Nguồn tin: baocongthuong.vn