Các quy hoạch đã được ngành tập trung xây dựng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực của ngành Công Thương tại địa phương; góp phần quan trọng trong việc định hướng phát triển ngành Công Thương cũng như quá trình phát triển kinh tế của tỉnh; là căn cứ quan trọng để các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phối kết hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc ngành Công Thương như đầu tư phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các công trình điện, công nghiệp chế biến,… Đến nay, việc triển khai các quy hoạch của ngành Công Thương đã đạt một số kết quả như sau:
Về quy hoạch công nghiệp:
Ngành công nghiệp tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2011-2020 cơ bản đã phát triển đúng theo định hướng chung của cả nước, nền công nghiệp từng bước được hiện đại hóa, đã thu hút, khuyến khích được mọi thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển ngành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và cơ bản đã hình thành một nền kinh tế có cơ cấu các ngành công nghiệp hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển chung của tỉnh. Bên cạnh đó, trong giai đoạn, ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: công nghiệp khai thác, chế biến bauxit (dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, công suất 650.000 tấn alumin/năm), công nghiệp chế biến nông lâm sản đã dần phát huy được thế mạnh trên cơ sở sử dụng được nguồn nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên tại chỗ đã tạo cho ngành công nghiệp có sự bứt phá, tăng nhanh tỷ trọng và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp được quan tâm chú trọng, tập trung đầu tư có chiều sâu, trình độ công nghệ tiên tiến, các sản phẩm đầu ra có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Công nghiệp phát triển vừa và nhỏ giai đoạn 2011-2020 được quan tâm phát triển thông qua hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Việc phát triển công nghiệp có sự kết hợp chặt chẽ với các yếu tố kinh tế - xã hội, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Công nghiệp chế biến trong giai đoạn cơ bản đã phát huy được tiềm năng sẵn có trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm sau chế biến cơ bản đã đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, việc phát triển quy mô từng ngành phù hợp với tiềm năng nguồn nguyên liệu của địa phương, các sản phẩm đều phải trải qua khâu chế biến và đạt các tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ cho xuất khẩu. Công nghiệp khai thác khoáng sản cơ bản đã khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác; một số ngành công nghiệp có giá trị cao phục vụ cho xuất khẩu như: chế biến đá bazan cột khối, granit phục vụ mục đích xuất khẩu, chế biến đá bazan bọt làm phụ gia xi măng,…
Về quy hoạch điện:
Thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Nông được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt, Sở Công Thương đã phối hợp Công ty Điện lực Đắk Nông, Tổng Công ty Điện lực Miền trung xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo lưới điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có: Đường dây 500kV: 242,35km; đường dây 220KV: 304,75 km; đường dây 110KV: 184,35km; đường dây trung áp: 1.891km; đường dây hạ áp: 2.063 km. 01 Trạm biến áp 500KV - 900MVA; 01 trạm biến áp 220kV - 250MVA; 06 trạm biến áp 110kV - 293MVA; 2.054 trạm biến áp trung áp – 343.066 kVA. So với năm 2016: Về trạm biến áp đã tăng thêm 01 trạm biến áp 220kV, với tổng dung lượng 250MVA, đạt 100% quy hoạch; 06 trạm biến áp 110kV, với tổng dung lượng 140MVA, đạt 35% quy hoạch. Về đường dây: tăng 15,9km đường dây 220kV, đạt 100%; 28,1km đường dây 110kV, đạt 35% quy hoạch; đường dây trung áp: xây dựng mới 340 km, đạt 76,5%, cải tạo 100,5km, đạt 30,1% quy hoạch; đường dây hạ áp: xây dựng mới 461 km, đạt 61,3%, cải tạo 33,2 km, đạt 36,56% quy hoạch.
Theo quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006-2010 có xét đến 2015, đến nay có 19 dự án, tổng công suất 155,61MW. Trong đó: 11 dự án đã vận hành với tổng công suất 103,11MW gồm: Đắk Ru, Quảng Tín, Nhân Cơ, Đắk N’teng, Đắk Nông 1, Đắk Nông, Đắk Rung 1, Đắk Rung, Đắk Nông 2, Đắk Sin 1, Đa K’long; 03 dự án đang thi công với tổng công suất 18,5MW, gồm: Đắk Sor 2, Đắk G'lun 2, Đắk G'lun 3; 05 dự án chưa khởi công xây dựng với tổng công suất là 34MW: Đăk Keh, Đăk Sor 4, Đắk Buk Sor 1, Đắk Keh 4, Nam Long.
Công tác phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đúng định hướng đã đề ra trong quy hoạch, hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, bên cạnh hệ thống chợ, cửa hàng tiên lợi; hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại được hình thành, góp phần tích cực trong việc cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, thị trường xuất khẩu tiếp tục duy trì và mở rộng, đến nay đã xuất khẩu đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên cơ sở phát huy được những mặt hàng chủ lực thuộc thế mạnh của tỉnh như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, alumin...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 46 chợ, trong giai đoạn đã đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 17 chợ (trong đó xây dựng mới 12 chợ, nâng cấp cải tạo 05 chợ); thu hút 02 nhà đầu tư 02 trung tâm thương mại hạng III tại các huyện Đắk R’lấp và Đắk Mil (trong đó trung tâm thương mại hạng III tại các huyện Đắk R’lấp đã đi vào hoạt động); Đã hoàn thành đưa vào hoạt động 01 siêu thị hạng III tại thành phố Gia Nghĩa; 01 khu phức hợp và dịch vụ tại huyện Cư Jút; có 259 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 230 cửa hàng bán lẻ LPG; 05 thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá; 04 thương nhân kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu; 115 cửa hàng bán lẻ sản phẩm thuốc lá; 110 cửa hàng bán lẻ sản phẩm rượu.