Sau 20 năm vươn mình mạnh mẽ, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ lực tại Đắk Nông tăng trưởng vượt bậc (15/03/2024)

Từ những ngày đầu thành lập, Đắk Nông tuy gặp nhiều khó khăn khi là tỉnh có nền kinh tế chủ yếu thuần nông, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Thế nhưng bằng nhiều nỗ lực không ngừng, cùng với đó là sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và Nhân dân, đến nay sau 20 năm, tỉnh Đắk Nông đã vươn mình mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành quả vượt bậc.

Đưa công nghiệp trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế

Với tiềm năng, thế mạnh có sẵn, nền công nghiệp Đắk Nông từng bước khẳng định vị trí là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Sau thời gian dài phấn đấu, đã có hàng ngàn cơ sở, nhà máy chế biến công nghiệp được hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhờ đó gam màu tươi sáng của ngành công nghiệp Đắk Nông mỗi ngày thêm rực rỡ.

 

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính cho tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh với trên 50% tổng giá trị sản xuất, điểm nhấn là nhà máy Alumin Nhân Cơ, chiếm khoảng 40% trong giá trị sản xuất công nghiệp nội tỉnh, hàng năm đóng góp gần 400 tỷ đồng cho ngân sách địa phương, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động. Hiệu quả hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và việc thu hút đầu tư nhà máy luyện kim tại Khu công nghiệp Nhân Cơ đang từng bước đưa tỉnh Đắk Nông tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm và sau nhôm của quốc gia.

Song song với đó, ngành công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản của tỉnh cũng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế như: Chế biến cà phê, hạt điều, cao su, ván MDF... được hình thành.

Công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp điện phát triển với nhiều dự án trọng điểm đã và đang triển khai. Đã có 15 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, với tổng công suất 356,61 MW; có 1.632 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 377,412 MWp; 02 nhà máy điện mặt trời nối lưới, tổng công suất 106,4 MWp đang vận hành; nhà máy điện gió Đắk Hòa (công suất 50MW) đã vận hành thương mại…

Tất cả những thành tựu trên đã góp phần vào tăng trưởng chung và thay đổi toàn diện ngành công nghiệp so với ngày đầu thành lập tỉnh, từng bước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.

Tạo điểm sáng cho ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững

Trước đây, nền nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông đa số phát triển manh mún, nhỏ lẻ, năng suất và giá trị tạo ra còn thấp. Trên con đường hội nhập quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tỉnh Đắk Nông sau 20 năm thành lập đã vươn mình đổi mới, kết quả đạt được chính là những “điểm sáng” nổi bật đáng tự hào.

Thiên nhiên ban tặng rất nhiều lợi thế cho Đắk Nông với vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, nguồn nước sông suối dồi dào chảy quanh. Cùng với đó, chú trọng áp dụng ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, thu hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm… Với thế mạnh sẵn có cùng chiến lược phát triển phù hợp, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất ngày càng được chú trọng. Tình đã thành lập 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 120ha; công nhận 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 2.400ha; định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, như: Cà phê, Hồ tiêu, Điều, Khoai lang, Bơ, Sầu riêng... ngày càng khẳng vị thế trên thị trường nội địa và quốc tế. Một số kết quả nổi bật đáng chú ý của ngành nông nghiệp tỉnh có thể kể đến như sau:

Cà phê: Diện tích ước đạt 142.904 ha (tăng 77.992 ha so với năm 2004), đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên và cả nước; Sản lượng cà phê ước đạt 375.683 tấn (tăng 267.079 tấn so với năm 2004), đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Hồ tiêu: Diện tích ước đạt 33.246 ha (tăng 26.702 ha so với năm 2004), đứng thứ 1 khu vực Tây Nguyễn và cả nước; sản lượng hồ tiêu đạt 76.273 tấn (tăng 65.085 tấn so với năm 2004), đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Điều: Diện tích ước đạt 16.504 ha (tăng 9.839 ha so với năm 2004), đứng thứ 4 khu vực Tây Nguyên; sản lượng điều ước đạt 16.372 tấn (tăng 12.644 tấn so với năm 2004) đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 29.000 ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận (VietGAP, 4C, UTZ Certified, GlobalGap, Organic...); 165 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (xoài Đắk Gằn, sầu riêng Đức Mạnh, khoai lang Tuy Đức, lúa gạo Krông Nô,... 01 Chỉ dẫn địa lý “Hồ tiêu Đắk Nông”; toàn tỉnh hiện có 94 sản phẩm của 77 chủ thể được chứng nhận OCOP, trong đó 16 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao theo bộ tiêu chí OCOP Quốc gia; trên 100 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử.

Quy mô diện tích trồng trọt ngày càng mở rộng, năng suất và sản lượng tăng cao. Diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ yếu dự kiến năm 2024 ước đạt 320.200 ha, tăng 157.234 ha so với năm 2004, tương đương tăng gấp 02 lần. Một số cây trồng chiếm diện tích lớn và đạt sản lượng cao trong khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Các đàn vật nuôi đều có xu hướng tăng mạnh so với năm 2004, đặc biệt từ giai đoạn 2018 đến nay, với dàn vật nuôi chủ yêu là dê, lợn và gia cầm; phát triển theo hướng chuyển từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, áp dụng các công nghệ như: Công nghệ chuồng lạnh, chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, quản lý đàn vật nuôi qua các camera giám sát... Toàn tỉnh hiện có 473 trang trại chăn nuôi, trong đó có: 328 trang trại chăn nuôi lợn, 93 trang trại chăn nuôi gia cầm, 48 trang trại chăn nuôi trâu, bò, 04 trang trại chăn nuôi dê…

Có thể khẳng định, sau 20 năm tái lập tỉnh cùng nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân, ngành kinh tế chủ lực tỉnh Đắk Nông đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt. Từ những thành tựu đã gặt hái, trong tương lai chắc chắn tiếp tục phát huy, tỉnh Đắk Nông sẽ ngày càng phồn vinh, vươn mình mạnh mẽ ra “biển khơi” rộng lớn.

V_Ngọc

Lượt xem:  150 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 19 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web