- Về công tác xây dựng pháp luật: Tham mưu UBND tỉnh thể chế hóa các văn bản QPPL trong lĩnh vực công thương ở địa phương theo quy định, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong năm, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 văn bản QPPL, gồm: Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 13/7/2022 Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 29/2022/QĐ-UBND ngày 30/8/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông. Công tác xây dựng văn bản QPPL thực hiện đúng trình tự, thủ tục, chất lượng được nâng cao; các văn bản ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi.
- Về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL: Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-SCT ngày 15/02/2022 tự kiểm tra, rà soát và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương năm 2022, với mục tiêu bảo đảm 100% văn bản quy phạm pháp luật của HDND, UBND tỉnh trong lĩnh vực công thương đều được kiểm tra, rà soát và xử lý theo đúng quy định. Tổ chức rà soát 10 văn bản quy phạm pháp luật do Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành đang còn hiệu lực, qua rà soát đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 03 văn bản không còn phù hợp với các quy định có liên quan của Trung ương và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tham mưu UBND tỉnh tự kiểm tra và lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành từ ngày 01/11/2021 đến ngày 31/10/2022 có các quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, qua kiểm tra cho thấy các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp với pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Cập nhật thường xuyên các VBQPPL của Trung ương để tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời tham mưu UBND tỉnh thể chế hóa các VBQPPL trong lĩnh vực công thương ở địa phương và báo cáo theo đúng quy định. Trong năm 2022, đã cập nhật được 46 VBQPPL do Trung ương ban hành có liên quan đến ngành công thương (01 Luật, 10 Nghị định; 34 Thông tư, 01 Quyết định).
- Về công tác theo dõi thi hành pháp luật: Thực hiện Kế hoạch số 41/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 của UBND tỉnh về quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2022; Kế hoạch số 42/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 của UBND tỉnh về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2022; Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 11/KH-SCT ngày 15/02/2022 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong năm 2022. Triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2022 của Chính phủ.
- Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-SCT ngày 15/02/2022 công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực công thương năm 2022. Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý nhà nước của ngành công thương bằng nhiều hình thức phù hợp như: Tổ chức hội nghị, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ; Xây dựng các chuyên mục thông tin pháp luật, đăng tải, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật trên Bản tin Công Thương, Trang thông tin điện tử của Sở; Lồng ghép việc phổ biến thông qua sinh hoạt của cơ quan, tổ chức đoàn thể; qua hoạt động chuyên môn, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo,..Qua đó, từng bước đưa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đi vào nề nếp, có hiệu quả góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý.
- Về công tác bồi thường của Nhà nước: Tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nội dung Luật, các văn bản có liên quan, quyền được bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm đề cao trách nhiệm, ý thức pháp luật trong thực thi công vụ nhằm hạn chế tối đa vi phạm pháp luật phải bồi thường. Trong năm, Sở không có vụ việc nào yêu cầu bồi thường.
- Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Kịp thời cung cấp các thông tin, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công thương đến các doanh nghiệp, người dân thông qua trang thông tin điện tử của Sở, tập huấn, giới thiệu, phổ biến và bồi dưỡng kiến thức pháp luật; trong quá trình Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, … cũng đã chủ động giải đáp trực tiếp kịp thời, đáp ứng yêu cầu nắm bắt quy định pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, qua đó đã giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, thực thi pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực thi, áp dụng pháp luật trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Nhìn chung, công tác pháp chế được thể hiện đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện tại Sở không có bộ phận pháp chế, nhiệm vụ công tác pháp chế giao cho Thanh tra Sở thực hiện; công chức làm công tác pháp chế chủ yếu là kiêm nhiệm nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng trong công tác pháp chế.