Ngày 12/10/2021, Sở Công Thương đã ban hành công văn số 1449/SCT-QLCN yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung sau:
1. Yêu cầu chung đối với các đơn vị trong ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện nghiêm kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai năm 2021 của đơn vị, Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 06/4/2021 của Bộ Công Thương về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; kiểm tra, rà soát tất cả các hạng mục công trình, kho bãi, nhà xưởng, kịp thời có phương án gia cố, xử lý đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; rà soát phương án đảm bảo an toàn cho người lao động và tài sản khi thiên tai xảy ra, kết hợp với các biện pháp phòng chống Covid -19 trong trường hợp phải di dời công nhân đến khu vực tập trung. Chủ động xây dựng kế hoạch Phòng chống thiên tai năm 2022 gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.
- Tổ chức trực ban, theo dõi sát diễn biến thời tiết để sẵn sàng ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế của bão, mưa lũ; thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định, bảo đảm thông tin liên tục thông suốt.
2. Các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện: Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; tuân thủ nghiêm quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và quy trình liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thông tin kịp thời cho người dân ở vùng hạ du trong các tình huống mưa bão, lũ lụt, đặc biệt các tình huống phải xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả trong điều kiện sự hỗ trợ từ bên ngoài hạn chế do dịch bệnh và dự kiến nơi sơ tán dân do thiên tai.
3. Các chủ công trình điện gió, năng lượng tái tạo: Chủ động di dời, chằng chống các thiết bị và tháp điện gió, chủ động gia cố ta luy chống sạt trượt các hố móng và móng cột điện gió, đảm bảo an toàn cho người và công trình khi thiên tai xảy ra.
4. Các đơn vị quản lý hạ tầng lưới điện: Tiến hành kiểm tra các công trình, gia cố các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho công trình khi thiên tai xảy ra, phát quang hành lang tuyến, chuẩn bị lực lượng để khắc phục kịp thời mọi sự cố xảy ra nhằm cung cấp điện kịp thời và an toàn sau thiên tai. Phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công tác chặt tỉa cành cây có khả năng gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống lưới điện.
5. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu, hoạt động hóa chất: Rà soát cập nhật bổ sung và tổ chức thực hiện: các phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập cho công trình, cửa hàng xăng dầu, chống trôi nổi các bồn chứa xăng dầu khi bị ngập nước và ngăn chặn sự cố tràn dầu ra môi trường; các phương án phòng chống, ứng phó, ngăn ngừa sự cố rò rỉ hóa chất ra môi trường.
6. Các đơn vị khai thác khoáng sản: Rà soát, kiểm tra tất cả các điều kiện an toàn trong khai thác và chế biến khoáng sản; di dời các láng trại, máy móc, thiết bị ở dưới chân đồi có nguy cơ sạt lỡ đất; tuyệt đối không được nổ mìn khai thác đá trong những ngày mưa, bão, có giông sét.