Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một nhiệm vụ quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Việc tuyên truyền PBGDPL là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng gắn liền hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân, vì vậy trong thời gian qua cấp ủy đảng, lãnh đạo Sở đã quan tâm, chỉ đạo từng bước đưa công tác PBGDPL đi vào nề nếp, có hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý của Sở.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 09/01/2019 của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chỉ đạo bộ phận pháp chế của cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2019 (Kế hoạch số 05/KH-SCT ngày 29/01/2019 của Sở Công Thương về việc ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực công thương năm 2019), trong đó phân công rõ trách nhiệm và thời hạn cho từng bộ phận để triển khai thực hiện việc tuyên truyền với các nội dung phù hợp, nội dung của kế hoạch chú trọng đến những văn bản quy phạm pháp luật mới và những văn bản có tính chất thường xuyên trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ. Ngoài ra, trong năm 2019, bám sát các chỉ đạo của UBND tỉnh và chức năng nhiệm vụ của ngành, Sở đã ban hành nhiều văn bản nhằm mục đích thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức của Sở và các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân khác có liên quan,
Một số kết quả đạt trong năm 2019:
Sở Công Thương luôn quan tâm công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân; coi trọng công tác xây dựng Kế hoạch tuyên truyền hàng năm gắn liền với những sự kiện chính trị của địa phương, đất nước; những văn bản Luật được bổ sung, sửa đổi trong kỳ để có kế hoạch cụ thể. Việc quán triệt, tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ; Xây dựng các chuyên mục thông tin pháp luật, đăng tải, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật trên Bản tin Công Thương, Trang thông tin điện tử của Sở; Lồng ghép việc phổ biến thông qua sinh hoạt của cơ quan, tổ chức đoàn thể; qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, …cụ thể:
- Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hội nghị, cuộc họp, tập huấn: Trong năm 2019, Sở Công Thương tổ chức được 19 Hội nghị/Hội thảo/lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật hoặc các nội dung có liên quan đến pháp luật, với 1.070 lượt người tham dự, cụ thể:
+ 01 hội nghị tập huấn thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật : 100 người tham gia. Nội dung chủ yếu nhằm cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế, về thương mại quốc tế, những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, luật pháp quốc tế, nhằm nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, năng lực quản lý, đầu tư.
+ 01 Hội nghị thông tin tuyên truyền Hiệp định Đối tác toàn diện và phát triển xuyên Thái Bình Dương (CTTPP): 106 người tham gia. Nội dung chủ yếu là thông tin về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Các biện pháp thương mại doanh nghiệp cần biết (Biện pháp kiểm dịch động thực vật; các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; Các biện pháp phòng vệ thương mại); Quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định Thương mại tự do VN ‑Liên minh Châu Âu (EVFTA); Một số FTA đang đàm phán và chưa ký kết; Những việc cần làm để hội nhập kinh tế thành công
+ 01 lớp nâng cao kỹ năng an ninh mạng, kỹ năng quảng cáo trực tuyến và bán hàng online: 70 người tham gia. Nội dung chủ yếu là các cung cấp kỹ năng an ninh mạng, kỹ năng quảng cáo trực tuyến và bán hàng online, các quy định của pháp luật đối với Thương mại điện tử trong quản lý website và bán hàng online.
+ 01 hội nghị về tuyên truyền quy định pháp luật về Hóa chất: 70 người tham gia. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền các quy định của pháp luật về hóa chất, biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất đến đơn vị hoạt động hóa chất nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, công tác an toàn hóa chất, từ đó chấp hành và thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
+ 01 lớp tập huấn phổ biến các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng: 100 người tham gia. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền lợi và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
+ 14 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm: 624 người tham gia. Nội dung chủ yếu là cung cấp các kiến thức về an toàn thực phẩm, các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
- Biên soạn và phát hành tài liệu để PBGDPL: 03 ấn phẩm, gồm: 02 ấn phẩm bản tin công thương số 1, số 2 năm 2019; 01 ấn phẩm Sổ tay thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông năm 2019.
- Tuyên truyền PBGDPL trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Tuyên truyền qua tin, bài viết trên Trang thông tin điện tử: Số lượng: 35 tin, bài; Triển khai 01 phóng sự của Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông, về sử dụng năng lương tiết kiệm và hiệu quả.
- Tuyên truyền thông qua băng rôn, banner, tờ rơi,…: 01 băng rôn về ngày pháp luật Việt Nam; 01 băng rôn về 01 banner “ Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam”; 7.000 tờ rơi tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2019.…
Cùng với việc tổ chức tập huấn, giới thiệu, phổ biến và bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói trên, Sở Công Thương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp cho các doanh nghiệp và các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất kinh doanh về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, vật liệu nổ công nghiệp và các lĩnh vực khác có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng hiểu biết, thực thi pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực thi, áp dụng pháp luật của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình Thanh tra, kiểm tra, thẩm định, cấp phép,… Sở đã tiếp nhận các câu hỏi từ phía người dân và doanh nghiệp, sau khi được tiếp nhận, Sở Công Thương đã chủ động giải đáp trực tiếp kịp thời, đáp ứng yêu cầu nắm bắt quy định pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác PBGDPL trong thời gian tới, Sở Công Thương cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.
- Bám sát Chương trình, Đề án, Kế hoạch về công tác PBGDPL của Chính phủ, Bộ Tư pháp và của UBND tỉnh và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, ban hành, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm. Tổ chức quán triệt kịp thời đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
- Đổi mới phương pháp, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng tài liệu tập huấn, phổ biến pháp luật.
- Thường xuyên rà soát và kiện toàn báo cáo viên pháp luật đảm bảo đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, chất lượng.
- Xây dựng, quản lý và khai thác hiệu quả Tủ sách pháp luật của cơ quan, thực hiện đa dạng hóa các đầu sách để phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức./.