Quy chế Tiêp Công Dân Sở Công Thương (17/06/2019)

QUY CHẾ

Tiếp công dân của Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông

(Ban hành kèm theo Quyết định số 127 /QĐ-SCT, ngày 20  tháng 12 năm 2017

của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế quy định việc tổ chức tiếp công dân tại Sở Công Thương; trách nhiệm tiếp công dân của Giám đốc Sở và công chức tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc phối hợp trong hoạt động tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất, địa điểm tiếp công dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Lãnh đạo Sở, Chánh Thanh tra Sở, Lãnh đạo các phòng và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; công chức thuộc Sở được giao nhiệm vụ tiếp công dân và công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Điều 3. Mục đích của việc tiếp công dân

1. Tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về những vấn đề có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi, trách nhiệm của ngành Công Thương.

2. Tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở để xem xét, giải quyết hoặc trả lời công dân theo đúng quy định của pháp luật.

3. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

 

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN ĐẾN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH; TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG CHỨC TIẾP CÔNG DÂN

 

Điều 4. Quyền của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

1. Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

2. Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;

3. Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của công chức tiếp công dân;

4.  Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

5. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch;

6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 5. Nghĩa vụ của công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

1.  Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);

2.  Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với công chức tiếp công dân;

3. Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được công chức tiếp công dân ghi chép lại;

4.  Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của công chức tiếp công dân;

5. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Điều 6. Trách nhiệm của công chức tiếp công dân

1. Khi tiếp công dân công chức tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức hoặc phù hiệu theo quy định.

2. Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

3. Có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

4. Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

5. Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.

6. Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Những trường hợp được từ chối tiếp công dân

1. Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

2. Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;

3. Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;

4. Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

 

Chương III

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN

 

Điều 8. Địa điểm tiếp công dân

1. Việc tiếp công dân được thực hiện tại phòng làm việc của Thanh tra Sở Công Thương, địa chỉ: khu hành chính Sùng Đức, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

2. Địa điểm tiếp công dân phải được bố trí các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng và thuận lợi. Nơi tiếp công dân phải được niêm yết nội quy tiếp công dân và lịch tiếp công dân.

Điều 9. Trách nhiệm tổ chức tiếp công dân

1. Chánh Thanh tra Sở giúp Giám đốc Sở tổ chức công tác tiếp công dân. Chủ trì, phối hợp với Lãnh đạo các phòng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Sở tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Hàng tháng, quý, sáu tháng, năm tổng hợp, báo cáo tình hình tiếp công dân của Sở đến Giám đốc Sở, Thanh tra tỉnh.

2. Chánh Văn phòng Sở tham mưu Giám đốc Sở bố trí nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Điều 10. Tổ chức tiếp công dân của Giám đốc Sở

1. Giám đốc Sở tiếp công dân theo định kỳ vào ngày 10 và ngày 20 hàng tháng (nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo liền kề) và tiếp đột xuất khi có yêu cầu khẩn thiết theo quy định. Trường hợp Giám đốc Sở đi vắng thì sẽ ủy quyền cho một Phó Giám đốc Sở tiếp công dân thay cho Giám đốc Sở.

2. Chánh Thanh tra Sở có trách nhiệm hoặc cử công chức thanh tra tham gia đầy đủ các buổi tiếp công dân của Giám đốc Sở.

3. Lãnh đạo các phòng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở có trách nhiệm hoặc cử công chức tham gia tiếp công dân và chuẩn bị hồ sơ, tài liệu có liên quan khi được Giám đốc Sở yêu cầu.

4. Chậm nhất sau 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày Giám đốc Sở tiếp công dân, Chánh thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị trực thuộc và các phòng chuyên môn tổng hợp ý kiến kết luận của Giám đốc Sở và thông báo cho công dân, các phòng liên quan hoặc báo cáo UBND tỉnh (nếu có).

Điều 11. Tổ chức tiếp công dân thường xuyên

1. Việc tiếp công dân thường xuyên được thực hiện trong giờ hành chính (từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần) trừ các ngày nghỉ và ngày lễ. Thanh tra Sở là bộ phận thường trực tiếp công dân.

2. Đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc nào thì công chức tiếp công dân thông báo Trưởng phòng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó cùng phối hợp với Thanh tra Sở tiếp công dân. Khi nhận được thông báo tiếp công dân, Trưởng phòng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở trong phạm vi trách nhiệm của mình phải trực tiếp hoặc cử các phó trưởng phòng hoặc công chức tiếp công dân cùng với Thanh tra Sở và trả lời công dân theo quy định của pháp luật.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Trưởng các phòng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở có trách nhiệm thực hiện tiếp công dân theo quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, đề nghị các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở báo cáo về Giám đốc Sở (thông qua Thanh tra Sở) để kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

File đính kèm./.

Thanh tra Sở

Lượt xem:  489 Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Liên kết web