Hội nhập quốc tế: Phải nâng cao năng lực xử lý các tranh chấp kinh tế (26/04/2019)
(TBTCVN) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (HNQT) tổ chức Hội nghị tổng kết trực tuyến với chủ đề “Tăng cường HNQT chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: P.V
 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: P.V
Nhiều thành tựu lớn sau hơn 20 năm hội nhập 

Ban Chỉ đạo quốc gia về HNQT (Ban Chỉ đạo) do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban được thành lập ngày 23/4/2014, với 3 ban chỉ đạo liên ngành trên 3 trụ cột, do các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực làm trưởng ban.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, công tác HNQT 5 năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư với các nước tăng trưởng tốt, năm 2018 đạt 480 tỷ USD, thặng dư 6,8 tỷ USD; cam kết FDI đạt 35,46 tỷ USD. 

Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, CPTPP, EVFTA...), mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới. Chúng ta cũng đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF - ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2… 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, quá trình hội nhập của chúng ta đạt nhiều thành công về tổng thể. Sau hơn 20 năm hội nhập, đến nay chúng ta đã ký kết 12 FTA, thu hút vốn FDI kỷ lục… Về nông nghiệp, từ nước nông nghiệp nghèo, thiếu ăn, nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn, với 12 mặt hàng xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên. 

Trình bày về vai trò của hội nhập với sự phát triển của địa phương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiệu ứng truyền thông ra quốc tế về Thủ đô đã góp phần đưa khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng đều qua các năm. Riêng năm 2018, Hà Nội thu hút FDI đạt 7,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm qua. 

Hai mặt của tấm huân chương

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những dấu ấn tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam trong hơn nửa thập kỷ qua. Tuy nhiên, đó mới là một mặt của “tấm huân chương” mà nếu nhìn từ mặt khác thì còn những điều nuối tiếc. Trong đó, điều nuối tiếc nhất là chúng ta chưa tận dụng được hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại. 

Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) của chúng ta đã điều chỉnh tốt để thích nghi và sinh tồn, song lại thiếu năng lực hiện thực hóa tối đa các lợi ích tiềm tàng từ hội nhập để bứt phá. Con số xấp xỉ 2/3 lợi ích thuế quan từ các FTA bị bỏ phí là một ví dụ. Các DN Việt chiếm tỷ trọng ngày càng thấp trong kim ngạch xuất khẩu, các DN FDI tận dụng cơ hội kinh doanh tốt hơn so với DN nội. Sau bao năm khuyến khích FDI, chúng ta chưa có sự liên kết đáng kể  giữa DN nội với các DN FDI để tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Từ góc độ thể chế, mặc dù chúng ta đã có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu trở thành các nền kinh tế top 3, top 4 trong ASEAN. Trong nhiều lĩnh vực, cải cách chính sách và pháp luật mới chỉ tập trung làm sao để không trái cam kết mà chưa tính tới việc chủ động, quyết liệt để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cho phép tận dụng tối đa các lợi ích từ cam kết hay giảm thiểu những tác động bất lợi từ các cam kết này.

Đánh giá bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều biến động và thách thức, chưa kể những vướng mắc từ các cơ cấu hội nhập cũ chưa giải quyết xong, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tìm các giải pháp căn cơ để tiếp tục hội nhập hiệu quả và bền vững là điều phải tính tới ngay từ bây giờ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những kết quả nổi bật trong hội nhập thời gian qua và khẳng định, chủ trương HNQT là đúng đắn. Đồng thời, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Đó là, HNQT ngày càng phổ biến nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm cơ sở, trong khi có những lúc tư duy của ta chưa đủ nhạy bén, linh hoạt để theo kịp xu thế này. Vị thế địa chiến lược và địa kinh tế Việt Nam chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận trong một số vấn đề còn chưa đủ tự tin, quyết đoán.

Bên cạnh đó, hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương chưa cao, cùng với những hạn chế về trình độ quản lý đã cản trở phát triển, tạo kẽ hở cho những thua thiệt. Việc thông tin cho các DN và người dân về HNQT, các FTA và chuẩn bị các điều kiện cần thiết còn hạn chế, chậm chạp.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác, không thể chờ đợi, nhìn các thời cơ lần lượt trôi qua. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, người dân, DN.
H.Y

Lượt xem:  632 Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Liên kết web