Gỡ vướng về pháp lý cho hoạt động quản lý thị trường (26/04/2019)
(TBTCVN) - Hiện nay, hành lang pháp lý về quản lý thị trường (QLTT) vừa thiếu, vừa chồng chéo gây nhiều vướng mắc cho công tác thực thi, nhất là các quy định pháp luật về thẩm quyền kiểm tra, về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả...
 
 
QLTT
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng QLTT còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hàng giả

Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với bối cảnh mới, vừa bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, vừa đảm bảo tính thực thi cao.

Chưa quy định rõ chức danh người ban hành quyết định kiểm tra 

Đánh giá về Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ban hành ngày 4/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Nghị định số 148 đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho giai đoạn kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng QLTT. 

Hiện Tổng cục QLTT đang trình 3 nghị định mới là Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm thương mại; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 148/2016/NĐ-CP đề ra khuôn khổ hoạt động của QLTT và Nghị định thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng nhất là quy định chi tiết xử lý đối với chai LPG, chai LPG mini bị tịch thu.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, trong bối cảnh mới Nghị định số 148 đang phát sinh một số bất cập về tính pháp lý, đòi hỏi phải được nhanh chóng xử lý, khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng và thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Ông Linh phân tích, quy định về thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra thị trường, để bảo đảm hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được duy trì liên tục, không gián đoạn trong quá trình chuyển tiếp, Nghị định số 148 chưa quy định cụ thể, rõ ràng tên gọi của từng chức danh có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra thuộc lực lượng QLTT. “Việc chỉ quy định thẩm quyền xử phạt của QLTT một cách chung chung sẽ dẫn đến bất cập trong xác định trách nhiệm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của QLTT với các cơ quan, lực lượng khác”, ông Linh nhận định.

Mặt khác, theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT (có hiệu lực từ 12/10/2018) thì cơ cấu tổ chức của cơ quan QLTT các cấp đã được xác định cụ thể. 

Bối cảnh đó, đặt ra yêu cầu cấp bách là cần được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng, chính xác chức danh của người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra để bảo đảm yêu cầu về tính minh bạch, rõ ràng và bảo vệ có hiệu quả quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân trên thị trường.  

Bên cạnh đó, Nghị định 148 không quy định việc cấp trang phục cho người lao động làm việc trong cơ quan QLTT các cấp. "Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng QLTT và quyền lợi của người lao động. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần phải cấp trang phục cho lực lượng này để phù hợp với công việc và yêu cầu quản lý", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Siết chặt quản lý hàng giả, hàng cấm

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Linh cho biết thêm, hiện nay hành lang pháp lý về quản lý thị trường vừa thiếu, vừa chồng chéo gây nhiều vướng mắc cho công tác thực thi, nhất là các quy định pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hay lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng QLTT còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hàng giả do có quá nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Theo ông Linh, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau hơn 5 năm thực hiện đã tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc thực thi nghị định này đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với quy định pháp luật mới (như Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung; Luật Cạnh tranh năm 2018; Luật Quản lý ngoại thương, Luật Dược …). 

Vì vậy, “trong dự thảo thay thế Nghị định số 185, chúng tôi đã sửa đổi nhiều điều khoản cơ bản như điều chỉnh giảm, loại bỏ nhóm hành vi vi phạm về hoạt động trung gian thương mại; quy định cụ thể hơn các loại “Giấy phép kinh doanh” cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư; sửa đổi quy định về “hàng giả” và “tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả” và bổ sung khái niệm hàng giả gồm cả thuốc giả và dược liệu giả; đồng thời bãi bỏ quy định hàng giả gồm cả hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ nhằm tránh gây nhầm lẫn hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ thuộc nhóm hàng giả được điều chỉnh tại Nghị định 185”, ông Linh cho biết.
Tố Uyên

Lượt xem:  272 Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Liên kết web