CÔNG TÁC TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG TRONG THỜI GIAN QUA VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN TỚI (25/12/2019)

I. Tình hình triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quyết định số 1997/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020, trong thời gian qua UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành các văn bản:

- Chương trình số 43-CTr/TU ngày 13/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2017 về việc ban hành Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020.

- Kế hoạch số 316/KH-UBND ngày 18/6/2019 của Ủy ban nhân dân triển khai thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU ngày 13/5/2019 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 - Hàng năm căn cứ quy định tại Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, thống nhất triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam theo các chủ đề do Bộ Công Thương phát động.

Song song với việc ban hành văn bản nhằm hoàn thiện thể chế đối với công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể như sau:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức

Trong thời gian qua, dù là địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, nhưng trong thời gian qua UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 03 lớp tập huấn phổ biến các nội dung liên quan đến công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho gần 300 cán bộ, công chức, viên chức các Sở, ban, ngành của tỉnh; Tỉnh Đoàn; Hội Phụ nữ; Hội Nông dân; Báo Đắk Nông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; phòng Kinh tế- Hạ tầng các huyện; UBND các xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp, Hợp tác xã và các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Ban quản lý các chợ.

Thông qua các chương trình tập huấn đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã giúp người tiêu dùng, cán bộ, công chức và các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiểu biết hơn về các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, hiểu rõ hơn về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hang giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan treo hơn 1.000 banroll tuyên truyền tại các tuyến đường, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và trụ sở của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng. Qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

2. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng

UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông yêu cầu Chi Cục quản lý thị trường (nay là Cục quản lý thị trường) triển khai công tác bình ổn thị trường, xây dựng kế hoạch thực hiện độc lập hoặc phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên thị trường về lĩnh vực giá; chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Tính đến  ngày 31/7/2017 công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả trên toàn tỉnh đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng kết quả cụ thể như sau:

- Về công tác chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu: Phát hiện xử lý tập trung ở các nhóm mặt hàng như: thuốc lá, bài lá, đồ uống, lương thực thực phẩm, quần áo may sẵn, các mặt hàng thực phẩm đóng gói sẵn, sữa, linh kiện điện thoại di động; các sản phẩm máy móc, điện dân dụng, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại vật liệu xây dựng… Kết quả đã thực hiện kiểm tra và xử lý: 635 hành vi vi phạm, tổng số tiền xử phạt gần 800 triệu đồng.

- Về công tác kiểm tra giá, ổn định thị trường và chống gian lận thương mại: Phát hiện chủ yếu là hành vi vi phạm về niêm yết giá; phương tiện đo lường hết hạn kiểm định, bán hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng; mua bán, vận chuyển hàng hóa không xuất hóa đơn để trốn thuế. Kết quả đã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về gian lận thương mại là 3789 hành vi vi phạm; tổng số tiền xử phạt: 5.953.791.504 đồng.

- Về công tác kiểm tra đăng ký kinh doanh và chấp hành pháp luật kinh doanh trên thị trường: Tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh về đăng ký kinh doanh, đủ điều kiện kinh doanh; chống đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, gây cơn sốt về giá cả; kiểm tra các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa …Đặc biệt chú trọng kiểm tra mặt hàng sữa; lương thực, thực phẩm; phân bón; vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; các loại vật liệu xây dựng; các dịch vụ hàng hóa kinh doanh có điều kiện… bảo đảm bình ổn thị trường. Kết quả đã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm 2.8669 vụ; tổng số tiền xử phạt: 4.069.900.000 đồng.

- Về công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ: Trong năm Chi cục tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm 72 vụ, tổng số tiền xử phạt 1.755.904.405 đồng.

- Về công tác phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các lĩnh vực như đo lường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra định kỳ hàng tuần về tình hình thị trường giá cả hàng hóa, thông tin giá hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, kết quả công tác kiểm tra vệ sinh ATTP, cụ thể như sau: Tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các quy định pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Kết quả thực hiện kiểm tra và xử lý 1152 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt 1.166.625.000 đồng. Trong đó hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận Đủ điều kiện ATVSTP hoặc sử dụng giấy chứng nhận Đủ điều kiện ATVSTP đã hết hiệu lực; chủ cơ sở và nhân viên sử dụng giấy khám sức khỏe đã hết hạn sử dụng.

Thường xuyên triển khai các công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như triển khai công tác tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên chưa xảy ra các vụ việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh như: yêu cầu bồi hoàn, bồi thường đối với hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả hàng hóa.

3. Hoạt động triển khai kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Công Thương triển khai thực hiện Quyết định 02/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, qua đó ban hành văn bản để phối hợp với các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (HĐTM/ĐKGDC).

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 18 đơn vị thuộc đối tượng phải đăng ký HĐTM/ĐKGDC chung theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Công ty Điện lực Đắk Nông; Công ty cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đắk Nông; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Đắk Nông; Mobifone Đắk Nông- Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; Viễn thông Đắk Nông (thuộc tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam); Chi nhánh Viettel Đắk Nông (thuộc tập đoàn Viễn thông Quân đội); Công ty Truyền hình cáp NTH Đắk Lắk- Đắk Nông; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam- Chi nhánh tỉnh Đắk Nông; Công ty Bảo Việt Đắk Nông; Công ty Bảo Minh Đắk Nông;Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife Đắk Nông; Bảo hiểm nhân thọ Hanwhalife Đắk Nông; Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Đắk Nông; Công ty Bảo hiểm nhân thọ Daichilife Đắk Nông; Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Đắk Nông; Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín Đắk Nông; Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam tỉnh Đắk Nông; Chi nhánh Ngân hàng Đông Á tại Đắk Nông. Các đơn vị này đều triển khai thực hiện ký kết với người tiêu dùng theo mẫu hợp đồng của các đơn vị tổng (tổng công ty, tập đoàn) và đã được Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng xác nhận.

Riêng Công ty cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đắk Nông thuộc đối tượng phải đăng ký HĐTM/ĐKGDC với Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông. Do đó, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã hướng dẫn và chấp thuận đăng ký hợp đồng theo mẫu tại Thông báo số 801/TB-SCT ngày 28/7/2014.

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Năm 2015, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 06 đơn vị trong đó: 04 đơn vị cung cấp dịch vụ thuê bao điện thoại cố định, di động trả sau, kết nối internet và dịch vụ truyền hình trả tiền (bao gồm:Trung tâm kinh doanh VNVP Đắk Nông; Viet Tel Đắk Nông; Mobiphone tỉnh Đắk Nông; Công ty cổ phần truyền hình cáp NTH – Chi nhánh Đắk Nông); 01 đơn vị cung cấp nước sinh hoạt (Công ty cổ phần cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông); 01 đơn vị cung cấp điện sinh hoạt (Công ty Điện lực Đắk Nông). Qua công tác kiểm tra: Các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan có thẩm quyền và triển khai ký kết với người tiêu dùng theo đúng nội dung hợp đồng theo mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thực hiện việc niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch với khách hàng theo quy định.

4. Hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động của các Ban quản lý chợ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 46 chợ, trong đó có 01 chợ hạng I, 05 chợ hạng II và 40 chợ hạng III. Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, an ninh trật tự và văn minh thương mại, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư, phát triển và quản lý, kinh doanh khai thác chợ; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh khai thác chợ, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 604/KH-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 về chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ giai đoạn 2017 -2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sẽ có 26 chợ được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã, nâng tổng số chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý là 30 chợ đạt 73% tổng số chợ hiện có.

5. Việc thành lập các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông chưa thành lập Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh đó do dung lượng thị trường còn thấp, chưa xảy ra các vụ khiếu nại, tố cáo với tính chất phức tạp và nghiêm trọng liên quan đến Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế (90 triệu đồng/ năm đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) nên công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu là lồng ghép vào công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan. Hoạt động trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính vẫn là các lớp tập huấn và tuyên truyền bằng hình thức banroll do đó hiệu quả mang lại chưa thật sự cao.

II. Kế hoạch triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.

          1.  Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cụ thể thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền người tiêu dùng. Trong đó, các cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực trong nghiên cứu và nêu ý kiến góp ý để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản có liên quan cho phù hợp với yêu cầu của quản lý đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giám sát, phản ánh để nâng cao hiệu quả về công tác bảo về quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

          Các cấp ủy đảng, chính quyền chủ động bố trí nhân sự thực hiện công tác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của đơn vị mình. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tham gia đóng góp, huy động nguồn lức và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tinh thân Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính quyền các cấp, các ngành chủ động, có các giải pháp bảo vệ hiệu quả quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các đối tượng trong xã hội bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thực hiện một cách thường xuyên, liên tục để phát huy hiệu quả trong việc công khai minh bạch về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cảnh báo những nguy cơ mất an toàn, công bố thông tin tổ chức cá nhân vi phạm về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao đạo đức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lành mạnh và phát triển bền vững.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm:

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Nâng cao ý thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, chân chính;

- Nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng, nhất là đối với đối tượng người tiêu dùng  yếu thế như: trẻ em, học sinh, sinh viên, người già, phụ nữ, công nhân nghèo, khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa….

3.  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng.

Đề xuất các biện pháp phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện để người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ.

Hoàn thiện các chế tài răn đe đối với các hành vi sai phạm về quyền lợi, sức khỏe, tính mạng… nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các đối tượng người tiêu dùng yếu thế.

Quy định việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo hướng thủ tục đơn giản, thuận tiện. Từng bước xây dựng và phát triển các cơ chế thuận tiện, dễ dàng tiếp cần để hỗ trợ người tiêu dùng có thể nâng cao khả năng tự bảo vệ.

Đẩy mạnh hoạt động phân tích, kiểm định, đánh giá, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… gây mất an toàn cho người tiêu dùng.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ đối với người tiêu dùng, coi đây là lợi thế cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp.

Tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả. Các tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thường xuyên quan tâm phân tích, đánh giá, phân loại để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời khuyến khích, động viên các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, giá thành hợp lý, có uy tín, thương hiệu trên thị trường để cung cấp thông tin đến người tiêu dùng. Có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể của tỉnh tăng cường giám sát đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng.

5. Tăng cường phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế và hướng dẫn việc thực thi các cam kết hội nhập cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương thuộc lĩnh vực được giao phụ trách; khuyến khích, tăng cường hỗ trợ, hợp tác giải quyết các tranh chấp nhằm bảo vệ người tiêu dùng nhằm thức đẩy sự tin tưởng của người tiêu dùng các nước đối với sản phẩm, dịch vụ, môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo về quyền lợi người tiêu dùng.

 

Nguyễn Thị Thanh Huyền - QLTM

Lượt xem:  233 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web