Tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm (30/08/2019)
Ngày 29 tháng 8 năm 2019, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông nhận được Công văn số 6105/BCT-AP ngày 20/8/2019 của Bộ Công Thương về việc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông thông báo đến các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trên địa bàn tỉnh biết như sau:

Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã tăng cường thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, tem nhãn, bao bì sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ Trung Quốc, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có chung đường biên giới đất liền với các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang của Việt Nam) đã tăng cường thực hiện nghiêm các quy định trên và giám sát chặt hoạt động thương mại biên giới và trao đổi cư dân biên giới trên tuyến biên giới đất liền với các địa phương Việt Nam.

Bên cạnh đó, vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã thông tin về việc phía Quảng Tây đã ban hành “Điều lệ an toàn thực phẩm Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây” (gọi tắt là Điều lệ) và chính thức thực hiện từ ngày 01/6/2019 nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm (lương thực, rau xanh, trái cây tươi, trái cây khô, măng, gia súc, gia cầm, thịt các loại, trứng, mật ong, thủy sản, hải sản và nấm) tiêu thụ trên địa bàn Quảng Tây. Trong đó, Điều 34, Chương III của Điều lệ này quy định:

“Người kinh doanh thực phẩm khi tiến hành thu mua thực phẩm nhập khẩu cần kiểm tra các văn bản chứng minh đạt tiêu chuẩn do cơ quan Hải quan cấp. Nếu mua từ nhà cung cấp khác, cần kiểm tra giấy phép kinh doanh thực phẩm của nhà cung cấp, văn bản chứng minh đạt tiêu chuẩn do cơ quan Hải quan cấp và lưu giữ bản phô tô các giấy tờ liên quan. Thời hạn lưu trữ không dưới 06 tháng sau khi sản phẩm thực phẩm hết hạn sử dụng; nếu là thực phẩm không có hạn sử dụng rõ ràng, thời hạn lưu trữ tài liệu không dưới 02 năm sau ngày tiêu thụ sản phẩm thực phẩm.

Người kinh doanh thực phẩm nhập khẩu cần xây dựng chế độ ghi chép việc kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu và ghi chép thực tế những nội dung như: Tên gọi, quy cách, số lượng, thời gian sản xuất hoặc số lô sản xuất hoặc nhập khẩu, hạn sử dụng, ngày nhập hàng và tên, địa chỉ, phương thức liên hệ của nhà nhập khẩu hoặc người cung cấp hàng hóa, đồng thời lưu giữ nhật ký ghi chép và chứng nhận liên quan theo quy định về lưu trữ; thời hạn lưu trữ thực hiện theo quy định”.

Bên cạnh việc hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn do phía Trung Quốc tăng cường thực hiện các quy định về công tác truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng nhập khẩu... thì việc Quảng Tây ban hành Điều lệ trên cũng đòi hỏi các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam cần phải được xuất khẩu và tiêu thụ tại địa bàn Quảng Tây theo hình thức thương mại chính quy mới đáp ứng được các quy định nêu trên của phía Quảng Tây.

Do vậy, để phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc nói chung và Quảng Tây, Trung Quốc nói riêng trong thời gian tới, đồng thời hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu và các hộ nông dân, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp triển khai các công tác sau:

(i) Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, các hộ nông dân về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam và đặc biệt không nên tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường “dễ tính” như quan niệm lâu nay cũng như tăng cường cung cấp thông tin về các quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm... nhập khẩu.

(ii) Phối hợp với các Sở, ngành tại địa phương trong khâu tổ chức sản xuất, gia công chế biến hàng nông sản nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh và phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường Trung Quốc.

(iii) Tăng cường định hướng các doanh nghiệp tại địa bàn thay đổi phương thức xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy nhằm hạn chế các rủi ro phát sinh trong giao dịch, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật các quy định mới của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng hàng nông sản, thủy sản và thực phẩm nhập khẩu để kịp thời thông tin đến Sở Công Thương các địa phương liên quan./.

Quang Minh - QLTM

Lượt xem:  240 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Liên kết web