Một là, sau 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh; Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các Sở, Ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện 26 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu vực biên giới” trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện là 2.977 triệu đồng; trong đó: Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương là 1.091 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ từ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là 1.886 triệu đồng, kinh phí từ nguồn xã hội hóa là 45 triệu đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước có cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ của mình tới người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thị phần phát triển thị trường nội địa, khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt Nam, đã thu được những kết quả đáng khích lệ là: Doanh thu của 26 chương trình đạt trên 25.000 triệu đồng và thu hút hơn 180.000 lượt người đến tham quan mua sắm; Bên cạnh các chương trình bán hàng, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã phối hợp các đơn vị có uy tín tổ chức 16 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ kinh doanh và tọa đàm kỹ thuật cho gần 1000 tiểu thương, nông dân và phát tặng gần 16.000 cuốn cẩm nang hướng dẫn cho người tiêu dùng tại địa phương, nội dung tập hợp những thông tin hữu ích về các loại hàng hóa như thực phẩm, hàng điện tử, gia dụng…, nhằm giúp người dân có thông tin mới nhất, cập nhật thời sự tiêu dùng, hướng dẫn sử dụng, phân biệt hàng thật hàng giả, hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại hàng hóa tiêu dùng; thông qua các chương trình, Sở Công Thương vận động các doanh nghiệp tặng 800 phần quà, mỗi phần quà trị giá gần 400.000 đồng (tổng giá trị khoảng 320 triệu đồng) cho các hộ nghèo và học sinh nghèo hiếu học tại thị xã Gia Nghĩa và các huyện: Đắk Mil, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song, Đắk R’lấp, Cư Jút và tặng cho quỹ khuyến học và quỹ vì người nghèo trên địa bàn huyện Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R lấp, Cư Jut mỗi quỹ 5 triệu đồng.
Hai là, trong năm 2017 và năm 2018, Sở Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước – BCT và các Sở, ngành có liên quan, UBND huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil xây dựng 02 mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; kinh phí thực hiện 80 triệu đồng/01 mô hình (bằng nguồn vốn do Bộ Công Thương bố trí). Kết quả cho thấy lượng tiêu thụ hàng hóa tăng 20 - 30% so với thời điểm chưa xây dựng mô hình, hiện tại Sở Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng 02 mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Krông Nô và huyện Tuy Đức xây dựng. Qua việc xây dựng mô hình giúp người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý, từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, quảng bá về điểm bán hàng Việt để đông đảo nhân dân biết và tham gia mua sắm.
Ba là, để hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường thì hàng năm thông qua các đề án xúc tiến thương mại, đề án khuyến công, đề án hỗ trợ xuất khẩu…; Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường thông qua việc tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ; Bên cạnh đó, Sở đã xác nhận cho các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ triển lãm và thực hiện các chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được một số hiệu quả như:
Một là, về phía doanh nghiệp: Cuộc vận động tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng được quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng; thông qua các Chương trình cộng đồng doanh nghiệp đã ý thức được ý nghĩa tầm quan trọng của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một “cơ hội vàng” để tiếp cận trực tiếp đối với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp thường xuyên cải thiện về mẫu mã, chất lượng sản phẩm trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm hàng Việt Nam.
Hai là về phía người tiêu dùng: Các hoạt động triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua đã giúp người tiêu dùng từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và vùng biên giới đã giúp cho người tiêu dùng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa trên toàn tỉnh tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển, tạo sự nên thói quen tiêu dùng hàng Việt đối với người dân trên địa bàn tỉnh.
Ba là tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt về nông thôn ngày càng nhiều, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với hàng Việt, trong đó có những mặt hàng bình ổn giá, hàng Việt Nam chất lượng cao với giá cả hợp lý.